Bộ trưởng Quốc phòng CH Séc Jana Cernochova xác nhận thông tin trên khi tiết lộ: “Có những quốc gia khác (cùng tham gia tài trợ) với điều kiện là họ sẽ không được đề cập đến”.
Hồi tuần trước, Tổng thống CH Séc Petr Pavel đã đưa ra sáng kiến do Praha dẫn đầu nhằm tìm nguồn cung ứng đạn dược từ các quốc gia khác để viện trợ khẩn cấp cho quân đội Ukraine. Theo ông, CH Séc đã tìm được nguồn cung cấp 500.000 quả đạn 155mm và 300.000 quả đạn 122mm có thể được giao trong vài tuần nếu nguồn tài trợ được đảm bảo. Tuy nhiên, Tổng thống Pavel không tiết lộ thông tin về nguồn tài trợ, cũng như không nêu rõ giá trị của lô hàng này.
Trong khi đó, truyền thông châu Âu đưa tin các quốc gia ở “Lục địa già” đang tìm cách huy động 1,5 tỷ USD tài trợ khẩn cấp để cung cấp đạn dược cho Ukraine theo kế hoạch của CH Séc. Còn hãng CBC của Canada trích dẫn các nguồn tin xác nhận Ottawa có thể đóng góp tới 30 triệu CAD (22,3 triệu USD).
Nguồn cung cấp đạn dược đã trở thành vấn đề quan trọng đối với Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) nhiều khả năng không đạt được mục tiêu gửi cho Ukraine 1 triệu quả đạn pháo vào tháng 3.
Nga đã nhiều lần kêu gọi phương Tây ngừng chuyển vũ khí cho Ukraine, khẳng định chính sách viện trợ quân sự liên tục này sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột. Moskva đã nhiều lần tuyên bố tất cả vũ khí phương Tây cung cấp cho Ukraine đều là mục tiêu chính đáng để Nga phá hủy hoặc thu giữ.
Cũng trong ngày 23/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã ký thỏa thuận hợp tác an ninh song phương kéo dài 10 năm.
Bộ phận báo chí thuộc Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết theo thỏa thuận được ký tại thành phố Lvov, miền Tây Ukraine, Copenhagen sẽ cung cấp 8,5 tỷ euro (khoảng 9,2 tỷ USD) cho Kiev dưới dạng hỗ trợ quân sự và nhân đạo trong giai đoạn 2023-2028, bao gồm 1,8 tỷ euro viện trợ quân sự trong năm 2024.
Đặc biệt, Đan Mạch sẽ hỗ trợ những nỗ lực xây dựng và tăng cường các lực lượng không quân và phòng không - gồm phi đội máy bay chiến đấu F-16, an ninh trên biển, ra phá bom mìn, công nghệ máy bay không người lái - cũng như tiến trình phát triển cơ sở công nghiệp quốc phòng của Ukraine.
Đan Mạch là quốc gia đầu tiên ngoài Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ký thỏa thuận an ninh với Ukraine.