Sau khi chính thức gia nhập NATO vào đầu tháng này, Phần Lan đã ghi nhận mức tăng chi tiêu quốc phòng hàng năm cao nhất kể từ năm 1962, đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh.
Phần Lan, nước có chung đường biên giới dài nhất với Nga ở châu Âu với 1.300 km, ghi nhận mức tăng chi tiêu mạnh mẽ nhất trong EU (36%), được củng cố bởi một số giao dịch mua tốn kém, chẳng hạn như phi đội 64 máy bay chiến đấu F-35 mới từ hãng Lockheed Martin của Mỹ. Thương vụ mua sắm trị giá 10 tỷ euro được coi là khoản chi tiêu lớn nhất trong lịch sử của quốc gia Bắc Âu này.
Trong thời kỳ cuối Chiến tranh Lạnh, Phần Lan đã chi khoảng 1,9% GDP cho quốc phòng, nhưng mức chi tiêu của nước này đã giảm mạnh trong những năm tiếp theo và đạt mức thấp nhất vào năm 2001 ở mức 1,1% GDP. Gần hai năm trước đây, chi tiêu quốc phòng của Phần Lan vẫn ở mức ít ỏi 1,3% GDP. Tuy nhiên, chỉ riêng năm ngoái, chính phủ 5 đảng sắp mãn nhiệm của Phần Lan do Đảng Dân chủ Xã hội lãnh đạo đã đồng ý bổ sung hơn 2 tỷ euro cho chi tiêu quốc phòng, lấy lý do là vì cuộc xung đột ở Ukraine.
Với động thái trên, Phần Lan đã làm lu mờ các quốc gia châu Âu đồng minh của mình, chẳng hạn như Litva, Thụy Điển và Ba Lan, những nước có sự gia tăng đột biến lớn nhất tiếp theo trong ngân sách quốc phòng của họ lần lượt là 27%, 12% và 11%.
Như vậy, là một thành viên mới của NATO, Phần Lan đã nổi lên như một trong những quốc gia chi tiêu quân sự hàng đầu trong liên minh, chi tiêu khoảng 2% GDP. Vào năm 2022, chỉ có Mỹ (3,5% GDP), Ba Lan (2,4%), Estonia (2,3%) và Anh (2,1%) chi tiêu cho quốc phòng nhiều hơn Phần Lan tính theo phần trăm GDP.
Ngân sách quốc phòng của các thành viên NATO hiện tại chỉ tăng 0,9% từ năm 2021, do chi tiêu giảm ở các quốc gia như Italy, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Mặc dù mục tiêu ngân sách giành cho quốc phòng của NATO là 2% GDP, nhiều quốc gia vẫn thấp hơn nhiều so với mức này. Ví dụ, nước láng giềng của Phần Lan là Na Uy có mức chi tiêu chỉ 1,55% GDP.
Chi tiêu quân sự toàn cầu đã tăng lên mức cao kỷ lục vào năm ngoái trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine, thúc đẩy các quốc gia châu Âu và nói chung là phương Tây đạt mức chi tiêu chưa từng có kể từ Chiến tranh Lạnh. Chỉ riêng chi tiêu quân sự của châu Âu đã tăng 13% trong năm 2022.
Theo ước tính của các nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), tổng chi tiêu quân sự toàn cầu năm ngoái đã tăng 3,7%, lên mức 2,24 nghìn tỷ USD. Trong đó, chi tiêu quân sự của châu Âu vào năm 2022 đã tăng 13%, đạt 480 tỷ USD - đánh dấu mức tăng trưởng cao nhất trong 30 năm gần đây.
SIPRI nhấn mạnh rằng việc tăng ngân sách này dựa trên các kế hoạch nhiều năm nhằm tăng chi tiêu của một số chính phủ, đó là lý do tại sao có thể dự báo chi tiêu quân sự ở Trung và Tây Âu sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.