Cùng với tiết lộ nêu trên, Bộ trưởng Quốc phòng Estonia cũng nhấn mạnh rằng quyết định gửi quân đến Ukraine phải được thống nhất giữa các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời cần tính đến tất cả các chi tiết trong các biện pháp bảo vệ đội ngũ cũng như hậu cần.
Ông Pevkur, người đang ở Vacsava tham dự Diễn đàn An ninh Vacsava, không phải là quan chức Estonia đầu tiên đề cập tới khả năng cử binh sĩ đến Ukraine.
Vào giữa tháng 5 vừa qua, khi trả lời phỏng vấn truyền thông, cố vấn của Tổng thống Estonia về An ninh Quốc gia, ông Madis Roll cho hay chính phủ nước này đang phân tích khả năng triển khai lực lượng quân sự đến Ukraine và muốn thực hiện điều đó theo sứ mệnh của NATO "để thể hiện sức mạnh tổng hợp và quyết tâm lớn hơn".
Theo ông Roll, các cuộc thảo luận đang diễn ra và Estonia sẵn sàng gửi quân tới Tây Ukraine trong một liên minh nhỏ hơn (nếu không được sự đồng thuận chung của NATO).
Báo Ukrainska Pravda cho biết các cuộc thảo luận về sự hiện diện của quân đội NATO trên lãnh thổ Ukraine được khởi xướng bởi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đã thừa nhận vào tháng 2/2024 rằng ông đã đề xuất các quốc gia phương Tây cử quân đội của họ tới Ukraine.
Một số quốc gia, đặc biệt là các nước Baltic, đã công khai ủng hộ ý tưởng này hoặc bày tỏ sự quan tâm. Tuy nhiên, phần lớn các quốc gia, bao gồm cả cựu Tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg đã bác bỏ khả năng này.
Vào tháng 5/2024, tờ Thời báo New York của Mỹ đưa tin rằng một số quốc gia thành viên NATO đang thảo luận riêng về khả năng cử các huấn luyện viên quân sự hoặc nhà thầu đến Ukraine để huấn luyện lực lượng Ukraine và hỗ trợ họ trong việc sửa chữa trang thiết bị.