“Thời hạn sẽ kéo dài hai tháng mỗi đợt, lệnh tòng quân sẽ bắt đầu vào ngày 11/2025,” Bộ trưởng Anusic nói trên sóng truyền hình RTL.
Trước đó, tương tự như các nước châu Âu khác, từ năm 2008, Croatia đã huỷ bỏ chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc, mà thay vào đó là hệ thống tự nguyện nhập ngũ.
Theo ông Anusic, Bộ Quốc phòng nước này đã tăng lương cho các quân nhân và đang tiến hành hiện đại hóa vũ khí của mình theo thỏa thuận với các thành viên NATO khác. Nhà chức trách nhấn mạnh Bộ Tài chính cũng nhất trí không nên quá tiết kiệm ngân sách cho quân đội.
Theo truyền thông Croatia, Bộ Quốc phòng Croatia dự kiến quân đội sẽ tiếp nhận từ 4.000 đến 4.500 lính nghĩa vụ hàng năm. Những người lính này sẽ được triệu tập vài tháng một lần theo bốn hoặc năm đợt và gửi đến các trại huấn luyện tại các căn cứ quân sự Pozega, Sinj và Knin. Họ sẽ được huấn luyện các kỹ năng bộ binh cơ bản.
Một số người có thể được miễn trừ áp dụng chế độ này do vấn đề sức khoẻ hoặc trì hoãn vì lý do học tập, làm việc trong các cơ quan dân sự.
Theo thống kê của chính phủ Croatia, tổng cộng có 10.327 người tình nguyện tham gia huấn luyện quân sự từ năm 2008 đến cuối năm 2022. Mỗi quân nhân tình nguyện nhận được mức lương 990 USD/tháng.
Động thái quay trở lại chế độ nghĩa vụ quân sự diễn ra trong bối cảnh Bộ Quốc phòng Croatia lo ngại về căng thẳng Đông Âu và Balkan.
Sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, nhiều quốc gia châu Âu đã bắt đầu tái áp dụng hoặc mở rộng chế độ nghĩa vụ quân sự, từ Latvia áp dụng lại nghĩa vụ quân sự đến các kế hoạch quân sự dài hạn của Na Uy và những thách thức đối mặt với NATO trong việc tăng cường khả năng phòng thủ.