Kênh truyền hình RT cho rằng “Defender 2020” có nguy cơ phải hủy bỏ, cũng như đánh giá về động cơ thực sự của cuộc tập trận này.
Tập trận quy mô lớn với tên gọi đầy đủ là “Defender Europe 2020” được dự kiến trở thành cuộc diễn tập quân sự lớn nhất của NATO trong 1/4 thế kỷ qua. Có khoảng 20.000 binh sĩ Mỹ cùng khoảng 17.000 binh sĩ đến từ 17 nước thành viên NATO khác dự kiến tham gia chương trình được tổ chức tại Đức, Ba Lan và các quốc gia Baltic trong thời gian tháng 4 – 5 tới.
“Defender 2020” được lên kế hoạch nhằm thúc đẩy nền hòa bình thông qua các biện pháp ngăn chặn và thực hành chống lại sự xâm lược giả định, cũng như nhằm mục đích chứng minh cho người dân châu Âu rằng NATO sẽ bảo vệ họ trước bất kỳ mối đe dọa nào.
Tuy nhiên, NATO - cùng với chính người dân châu Âu – đang phải đối mặt với mối đe dọa từ một kẻ thù khác mà có lẽ họ chưa sẵn sàng để đối phó. Chủng virus Corona mới SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 nguy hiểm chết người đang hoành hành ở nhiều quốc gia châu Âu, khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố châu Âu chính là tâm dịch mới.
Hiện tại, kế hoạch tổ chức tập trận đang bị lung lay và ngày càng không rõ liệu “Defender 2020” có diễn ra hay không. Bộ Chỉ huy của Mỹ tại châu Âu (EUCOM) đầu tuần tuuyên bố sẽ sẽ giảm quy mô tham gia của Mỹ trong cuộc tập trận và sửa đổi nó cho phù hợp. Tin tức trên xuất hiện ngay sau khi cuộc tập trận “Cold Response” của NATO bị Na Uy thông báo hủy ngày 11/3 do lo ngại về đại dịch. Theo kế hoạch, cuộc tập trận Cold Response diễn ra từ ngày 2 đến 18/3.
Vậy tình thế hiện nay tiết lộ điều gì về khả năng và mục đích của NATO?
Các nguyên nhân hợp lý
NATO chưa tuyên bố hủy bỏ “Defender 2020”. Hiện tại, Mỹ cũng chưa rút lui khỏi sự kiện này. Tuy nhiên, điều này có thể xảy ra theo đánh giá của các nhà phân tích và cựu quan chức quân đội với kênh RT. "Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu những cuộc tập trận đó bị hoãn lại vài tháng", cựu quan chức Lầu Năm Góc Michael Maloof nói. Trong khi đó, cựu trung tá Không quân Mỹ Karen Kwiatkowski tin rằng cuộc tập trận có thể bị trì hoãn hoặc thậm chí bị hủy bỏ hoàn toàn.
Theo ông Kwiatkowski, các quốc gia phương Tây có nhiều nguyên nhân đúng đắn để hủy tập trận. Các binh sĩ cần ở lại nước nhà, nơi họ có thể trợ giúp bằng cách canh gác những khu vực cách ly rộng lớn hoặc triển khai lệnh giới nghiêm cũng như kiểm soát hoạt động di chuyển của người dân như một phần của lệnh khẩn cấp quốc gia.
Nếu tình hình dịch COVID-19 vốn khiến hơn 5.000 người thiệt mạng và 140.000 người mắc bệnh trên toàn cầu trở nên trầm trọng hơn, giới chức các nước có thể cần đến quân sự để kiểm duy trì ổn định xã hội. “Các chính phủ đã rơi vào thế khó vì đại dịch. Điều này dường như trở thành một nỗi sợ hãi của các chính phủ, trong đó có Chính phủ Mỹ, và đó là lý do tại sao không ai muốn quân đội nước họ tham gia tập trận ở nước ngoài vào thời điểm này”, ông Kwiatkowski lập luận.
Ngoài ra, chính bản thân binh lính trở về từ các cuộc tập trận nước ngoài cũng có thể trở thành mối nguy cơ về sức khỏe, đặc biệt nếu họ trở về từ vùng dịch. “Điều chúng ta đang cố gắng làm là giữ mọi người ở nguyên vị trí. Đó cũng là một lý do khác vì sao bạn sắp chứng kiến các cuộc tập trận rất nhỏ, bởi vì việc điều động người đi đây đó sẽ có khả năng lây lan virus”, ông Michael Maloof giải thích. Theo ông, mọi binh sĩ được điều sang châu Âu tập trận sẽ cần phải cách ly hai tuần khi về nước.
Chưa được chuẩn bị
Một vấn đề khác có thể là các đội quân NATO chưa sẵn sàng chiến đấu, ngay cả trong một cuộc chiến giả định với mối nguy cơ COVID-19 đầy thực tế này, về cả mặt trang thiết bị lẫn tâm lý.
Cựu quan chức Lầu Năm Góc Maloof nói binh lính Mỹ được huấn luyện về chiến tranh sinh học và có thiết bị để đối phó. Tuy nhiên, ông không dám chắc những thiết bị đó có hiệu quả để chống virus Corona trong môi trường chiến trận hay không. Đơn giản bởi COVID-19 là thứ Quân đội Mỹ chưa từng đối phó trước đây.
Trong khi đó, ông Kwiatkowski lưu ý nỗi hoảng loạn trong dân thường khi nghe tin về dịch bệnh liên tục lan rộng ở châu Âu cũng có khả năng ảnh hưởng đến binh lính. “Chuẩn bị cho các chất độc chiến trường không giống như chuẩn bị cho thứ gì đó đang thực sự ở đằng sau hàng ngũ kẻ thù, và ngay tại quê nhà của bạn… Nỗi sợ hãi về dịch bệnh là sự thật, có lẽ còn vượt quá nỗi sợ hãi thường gặp trong đời lính trận mạc”.
Mặt khác, bất kỳ cuộc tập trận quy mô lớn nào cũng sẽ bao gồm nhiều cuộc gặp mặt, thảo luận và những cái bắt tay. Điều đó có nghĩa những người tham gia có nguy cơ lây nhiễm lớn, theo ông Sergey Mikhailov, chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga (RISI). “Họ hoàn toàn có thể hủy tập trận nếu họ xét đến nguy cơ lây nhiễm đối với toàn bộ nhân viên tại bộ chỉ huy ở châu Âu là thực tế”. ông Mikhailov nói với RT.
Vấn đề hình ảnh
Cử binh sĩ đến các vùng dịch bệnh hoành hành không vì nguyên nhân thực nào cả cũng có trở thành một thảm họa trong việc xây dựng hình ảnh đối với các nhà lãnh đạo phương Tây. Mikhail Khodarenok, đại tá Không quân Nga về hưu cảnh báo: “Trong thời kỳ hòa bình và hiện đại ngày nay, ý tưởng đặt sức khỏe và sinh mạng của binh sĩ vào mối rủi rõ không dễ dàng chấp nhận được. Công chúng sẽ khó chấp nhận điều này”.
Nhà phân tích quân sự này cho rằng Washington cùng các đồng minh không sẵn lòng chấp nhận mối rủi ro lớn như vậy, vì họ phải xem xét đến các yếu tố tác động bầu cử cũng như dư luận công chúng, vốn rất quan trọng khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần.
Bên cạnh đó, theo ông Michael Maloof, sự kiện như "Defender 2020" sẽ còn gây sức ép lên các đối thủ tiềm năng của NATO trong bối cảnh cả thế giới đang nỗ lực tập trung vào cuộc chiến chống virus. Cựu nhân viên Bộ Quốc phòng Mỹ tin rằng thời điểm xảy ra đại dịch toàn cầu không hề thích hợp để phô trương sức mạnh quốc phòng. Ông nói: “Virus SARS-CoV-2 là một vấn nạn toàn cầu. Mọi người đang bận tâm về sự sống còn và lương thực. Các quốc gia đang phong tỏa và đi vào trạng thái cô lập… đó mới là điều dân chúng quam tâm, không phải việc quân đội có tập trập hay không”.