Theo đài Sputnik, ba hệ thống vũ khí này là một phần khoản viện trợ vũ khí trị giá 600 triệu DKK (85 triệu USD) mà Thủ tướng Mette Frederiksen đã hứa với Ukraine vào tuần trước trong chuyến thăm bất ngờ tới Kiev.
Hiện vẫn chưa rõ khoản viện trợ vũ khí của Đan Mạch đã rời Đan Mạch và đang trên đường tới Ukraine hay chưa. Bộ Quốc phòng Đan Mạch không tiết lộ khung thời gian nào.
Theo Đài phát thanh Đan Mạch, kể từ chuyến thăm của Thủ tướng Frederiksen, Lực lượng vũ trang Đan Mạch đã xem xét hệ thống vũ khí nào có thể hữu dụng ở Ukraine.
Nhà nghiên cứu quân sự và Thiếu tá Kristian Lindhardt tại Học viện Quốc phòng Đan Mạch cho rằng sự hỗ trợ của Đan Mạch có ý nghĩa quân sự tốt trên thực địa và đã được lựa chọn theo mong muốn cụ thể của Ukraine, theo nhu cầu các trận chiến đang diễn ra ở miền nam và miền đông Ukraine.
Xe bọc thép chở quân M113 được sử dụng trong quân đội Đan Mạch từ năm 1964, nhưng đã được hiện đại hóa toàn diện nhiều lần. Theo trang web của Lực lượng vũ trang, các xe bọc thép M113 có động cơ mạnh hơn, nội thất mới và lớp giáp chắc chắn hơn.
Ông Lindhardt nói với Đài phát thanh Đan Mạch: “Đó là một trận chiến di động mà ở đó cần phải bảo vệ người trong quá trình di chuyển từ A đến B qua các khu vực khói lửa. Đồng thời, xe có vũ khí trang bị nhất định và súng máy hạng nặng”.
Mìn chống tăng là thiết bị nổ mạnh được thiết kế để vô hiệu hóa hoặc ngăn chặn các phương tiện hạng nặng như xe tăng. Chúng chủ yếu được sử dụng trong chiến đấu phòng thủ để ngăn chặn hoặc đưa đối phương đến một vị trí cụ thể phù hợp hơn với phe phòng vệ.
Trước đó, Đan Mạch đã ủng hộ Ukraine 2.700 súng chống tăng.
Nga bắt đầu hoạt động quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2 với mục đích phi quân sự hóa và phi phát xít hóa đất nước này sau khi Kiev tăng cường cuộc chiến kéo dài 8 năm chống lại các nước cộng hòa tự xưng ở miền Đông.
Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, Ukraine đã nhận vũ khí từ khắp các nước phương Tây, từ các nước láng giềng như Ba Lan và Slovakia đến các quốc gia NATO như Mỹ, Australia và Canada.
Trong một thay đổi đáng chú ý, Đức gần đây đã nhượng bộ trước áp lực từ nước ngoài và bên trong và tuyên bố sẽ gửi xe tăng tới Ukraine.
Bình luận về việc phương Tây giao vũ khí cho Ukraine, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã mô tả động thái là “đổ dầu vào lửa”. Ông cũng cảnh báo rằng NATO về bản chất là đang chiến tranh với Nga, đồng thời nói thêm rằng các chuyến hàng tới Kiev sẽ là mục tiêu hợp pháp cho các lực lượng Nga.
Trước đó, ngày 28/4, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định xu hướng "bơm" vũ khí, trong đó có vũ khí hạng nặng, vào Ukraine là hành động đe dọa đến an ninh của toàn châu Âu, kích động bất ổn tại khu vực này. Tuyên bố của ông Peskov nhằm phản ứng với phát biểu trước đó của Ngoại trưởng Anh Liz Truss, trong đó kêu gọi các đồng minh tăng cường sản xuất vũ khí để viện trợ cho Ukraine.
Cùng ngày, Quốc hội Đức đã phê chuẩn nghị quyết cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Động thái trên của Quốc hội Đức sẽ tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ Đức vận chuyển các loại vũ khí và hệ thống phức hợp hiệu quả và hạng nặng cho Ukraine. Việc xuất khẩu vũ khí cũng sẽ được thảo luận và trao đổi chặt chẽ với các đối tác NATO.
Phản ứng trước kết quả trên, Chủ tịch đảng Sự lựa chọn vì nước Đức Tino Chrupalla cho rằng chính phủ đã biến Đức trở thành một bên tham chiến trong một cuộc chiến tranh hạt nhân có khả năng xảy ra.Theo ông, Chính phủ Đức lúc này phải hy vọng rằng các kênh ngoại giao cuối cùng với Moskva không bị phá vỡ.