Trước đây, Đức từng triển khai một cách chính thức chương trình huấn luyện quân sự với Trung Quốc. Việc quân đội các nước trao đổi kinh nghiệm kỹ thuật và chiến thuật là điều bình thường. Bên cạnh đó, việc các quân nhân sử dụng kỹ năng của họ cho lĩnh vực tư nhân sau khi nghỉ hưu cũng không phải là bất thường.
Nhưng đã xuất hiện phản ứng mạnh mẽ ở Đức khi tạp chí Spiegel và đài truyền hình ZDF đưa tin một "số ít" phi công đã nghỉ hưu của không quân Đức đến Trung Quốc với các hợp đồng đào tạo tư nhân béo bở.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã nói với người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc rằng ông mong "việc làm này phải chấm dứt ngay lập tức".
Nghị sĩ Marcus Faber tại Ủy ban Quốc phòng thuộc quốc hội Đức nhận định với kênh DW: "Bộ Quốc phòng cần làm mọi thứ có thể để chấm dứt hoạt động này. Quy tắc đối với những trường hợp do làm việc cho nhà nước nên có quyền truy cập vào thông tin liên quan đến bảo mật, cần phải được thắt chặt khẩn cấp”.
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Đức trong khi đó nói với DW rằng các quân nhân đã nghỉ hưu và nhân viên chính phủ khác phần lớn được tự do sử dụng chuyên môn của họ. Nhưng bộ bày tỏ lo ngại rằng các phi công Trung Quốc không chỉ nhận được hướng dẫn bay cơ bản mà còn cả thông tin về chiến thuật và khả năng hoạt động của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu điều đó có tạo thành vi phạm bảo mật hay không.
Ngoài Đức, cũng có quan ngại tương tự ở quốc gia khác. Phi công quân sự Anh và Mỹ cũng từng tham gia các chương trình đào tạo của Trung Quốc. Quốc hội Anh đang xem xét siết chặt luật điều chỉnh vấn đề này.
Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, một cựu phi công thủy quân lục chiến Mỹ đã bị bắt vào năm 2022 tại Australia. Daniel Duggan sinh tại Mỹ và làm phi công thủy quân lục chiến trong giai đoạn 1989-2002. Đến năm 2012, anh ta trở thành công dân Australian. Duggan bị cáo buộc huấn luyện phi công Trung Quốc hạ cánh trên tàu sân bay, đồng thời đối mặt với cáo buộc rửa tiền và vi phạm luật kiểm soát vũ khí của Mỹ.