Nhà thiết kế máy bay Liên Xô Artyom Mikoyan đã tạo ra những mẫu máy bay quân sự MiG nổi tiếng, lập được 55 kỷ lục thế giới. Dưới đây là những sản phẩm ấn tượng nhất do Văn phòng Thiết kế Thực nghiệm MiG (Mikoyan Guryevich) chế tạo.Chiến đấu cơ đẳng cấp thế giớiMiG-9 là chiếc máy bay phản lực đầu tiên của Liên Xô. Mặc dù có một thực tế là các phi công đã rất sợ hãi khi bay cùng với một chiếc máy bay không có cánh quạt này và họ cũng không có kinh nghiệm khi làm việc cùng với những động cơ của MiG-9, nhưng đây là loại máy bay nền tảng để Phòng Thiết kế Mikoyan Guryevich của Nga phát triển máy bay chiến đấu MiG-15 - một trong những chiến đấu cơ tốt nhất trong thời đại của nó.
Ban đầu, MiG-15 được sử dụng với mục đích ngăn chặn máy bay ném bom B-29 của Mỹ. Để đảm tiêu diệt được những chiếc B-29 to lớn, MiG-15 được trang bị pháo hạng nặng tầm xa; 2 khẩu pháo 23mm với 80 viên đạn mỗi súng, một pháo 37mm với 40 viên đạn. Những loại vũ khí đó đã tạo ra hỏa lực lớn cho MiG-15 trong vai trò đánh chặn trên không, nhưng chúng lại gây ra những hạn chế về tốc độ.
Thời kỳ hoàng kim của loại máy bay trên là trong chiến tranh Triều Tiên, nơi trong thời kỳ đầu của cuộc chiến, nó đã hạ gục mọi loại máy bay cánh thẳng của đối phương (MiG-15 là loại máy bay cánh xuôi). Đối với người Mỹ, sự xuất hiện của những chiếc máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Liên Xô đã gây ra một sự ngạc nhiên lớn. MiG-15 có thể “kết liễu” máy bay chiến đấu F-80 của Mỹ và truy lùng những máy bay ném bom của đối phương một cách dễ dàng. Kết quả là, người Mỹ đã ngay lập tức gửi máy bay F-88 Sabres vừa mới được đưa vào phục vụ, tới vùng chiến sự thì lợi thế trên không của hai bên mới cân bằng.
Sergey Kramarenko, chỉ huy của một phi đội MiG-15, người đã 13 lần chiến thắng trong các cuộc không chiến trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, giải thích: “MiG-15 có thể nâng độ cao một cách nhanh chóng sau một cuộc tấn công, trong khi những chiếc Sabres lại làm điều ngược lại, tìm cách bay sát mặt đất. Mỗi bên đều tận dụng những đặc điểm chiến đấu tốt nhất của mình. Vì thế, vào một số thời điểm, việc đối phó bị hạn chế trong một cuộc đối đầu. Nhưng sau đó, chúng tôi đã chiếm ưu thế hơn”.
Vào thời điểm đó, mong muốn có được một chiếc MiG-15 còn nguyên vẹn để nghiên cứu, Mỹ đã đưa ra giá trị tiền thưởng là 100.000 USD và cấp quy chế tị nạn chính trị cho phi công nào đào thoát được với máy bay của mình. Cuối cùng, 1 phi công của Triều Tiên, trung úy No Kum-Sok đã “giành được giải thưởng” này khi hạ cánh chiếc MiG-15 của mình xuống căn cứ không quân Kimo của Hàn Quốc vào tháng 9/1953. Hiện chiếc máy bay này đang được trưng bày tại bảo tàng Không quân Quốc gia Mỹ, gần Dayton, Ohio.
MiG-15 là một trong những loại máy bay được sản xuất với số lượng nhiều nhất, khoảng 15.000 chiếc được chế tạo (và với việc cung cấp giấy phép cho các nước khác sản xuất thì con số MiG-15 lên tới 18.000 chiếc). Nó cũng đã phục phụ trong lực lượng không quân của hơn 40 nước trong hơn nửa thế kỷ.
MiG-19MiG-19 là loại máy bay chính được sử dụng để chống lại máy bay F-4 Phantom cũng như F-105 Thunder Chief và thường giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Đây là máy bay tiêm kích phản lực thế hệ thứ 2, một chỗ ngồi của Liên Xô. Nó là máy bay chiến đấu đầu tiên của Liên Xô có khả năng bay siêu âm ở độ cao lớn. MiG-19 được sản xuất bởi công ty Mikoyan-Gurevich, bay thử lần đầu tiên vào ngày 18/9/1953.
Sau đó nó được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia với khoảng 8.500 chiếc được sản xuất và có các biến thể khác như Shenyang J-6 do Trung Quốc sản xuất hay Avia S-105 do Tiệp Khắc sản xuất. MiG-19 đã tham chiến trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, chiến tranh 6 ngày hay còn gọi là chiến tranh Arập-Israel năm 1967 và chiến tranh Bangladesh năm 1971.
Trong suốt thời gian phục vụ trong lực lượng không quân Liên Xô và tại Cộng hòa Dân chủ Đức, những chiếc MiG-19 đã nhiều lần ngăn chặn các máy bay do thám của phương Tây. Sự kiện đầu tiên là cuộc chạm trán giữa MiG-19 và máy bay ném bom U-2 của Mỹ vào mùa thu năm 1957. Lúc đó phi công của MiG-19 đã phát hiện ra chiếc U-2 nhưng không thể bắn hạ vì nó bay cao hơn chiếc MiG này. Lần thứ 2 thì chiếc U-2 do phi công Gary Powers đã không gặp may mắn như thế, nó đã bị một chiếc MiG-19 bám sát và truy kích, và bị bắn hạ bởi tên lửa SAM-2 ngày 1/5/1960.
Sau đó, ngày 1/7/1960, một chiếc MiG-19 khác đã bắn hạ máy bay trinh sát RB-47H đang thực hiện nhiệm vụ do tham trong không phận của Liên Xô, khiến 4 người thiệt mạng và 2 người bị bắt giữ (2 người này được trao đổi với phía Mỹ năm 1961). Một sự kiện nữa là ngày 28/1/1964, một chiếc MiG-19 đã bắn hạ chiếc T-39 Saberliner bay lạc trong không phận Đông Đức khi đang huấn luyện, cả 3 phi công trên chiếc máy bay này đều tử nạn.
Công Thuận (Còn tiếp)