Giao tranh diễn ra tại thành phố cảng Hodeidah, phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn và có thể cản trở thỏa thuận rút quân để mở đường cho đàm phán hòa bình mở rộng sau này.
Phóng viên TTXVN tại Trung Đông cho biết cảng Hodeidah nằm dưới sự kiểm soát của các tay súng Al-Houthi. Đây là cửa ngõ chính nhận viện trợ từ bên ngoài vào Yemen, nhưng đã chìm trong xung đột suốt thời gian qua khiến nhiều người dân bị đẩy vào tình trạng thiếu đói.
Từ hôm 14/5 vừa qua, lực lượng Al-Houthi đã bắt đầu rút khỏi cảng này, cùng với hai cảng khác tại Biển Đỏ trong động thái được đánh giá là tiến triển nhất trong nỗ lực kết thúc cuộc chiến đã kéo dài 4 năm qua tại Yemen. Tuy nhiên, hiện chưa biết lý do tại sao lại tái diễn giao tranh ở cảng Hodeidah.
Giao tranh tái diễn chỉ một ngày sau khi lực lượng Al-Houthi thừa nhận đã tiến hành vụ tấn công hai trạm bơm dầu của Saudi Arabia bằng máy bay không người lái. Liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu tuyên bố sẽ "đáp trả thích đáng" bất kỳ cuộc tấn công nào của Al-Houthi nhằm vào các mục tiêu của liên quân.
Ngoại trưởng Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Anwar Gargash cũng khẳng định sẽ hậu thuẫn cho tiến trình hòa bình tại Yemen cho đến khi Al-Houthi rút đi hoàn toàn dưới sự giám sát của Liên hợp quốc (LHQ).
Theo thỏa thuận đạt được trước đó, các tay súng Al-Houthi sẽ phải rút khỏi các vị trí chiếm đóng hiện nay. Lực lượng liên minh cũng sẽ phải rút khỏi một số khu vực ở ngoại ô của Hodeidah. Mặc dù đã có thỏa thuận nhưng vẫn chưa bên nào thực sự rút quân và cả hai bên vẫn cáo buộc nhau cố tình thâm nhập và tiến hành các vụ tấn công.
Trong nỗ lực thúc đẩy hòa bình ở Yemen, Đặc phái viên của LHQ về Yemen, ông Martin Griffiths, đã kêu gọi Hội đồng bảo an LHQ thúc dục các bên tham chiến nhanh chóng tuân thủ thỏa thuận và tái bố trí lực lượng theo tinh thần đạt được trong đàm phán hòa bình tại Stockholm hồi tháng 12 năm ngoái. Ông Griffiths cũng cho biết đang tìm kiếm một thỏa thuận giữa các bên trên thực địa để có thể tăng cường kiểm soát an ninh.
Xung đột tại Yemen được xem là một phần trong cuộc đối đầu tại khu vực giữa Saudi Arabia và Iran. Xung đột đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng, phần nhiều trong số đó là dân thường, đồng thời đẩy quốc gia này vào cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới hiện nay.