Gần đây xuất hiện nhiều thông tin cho thấy mạng lưới vệ tinh cung cấp Internet Starlink mà Mỹ cung cấp cho Ukraine đã ngừng hoạt động ở một số khu vực xung đột. Theo các phương tiện truyền thông, chủ sở hữu SpaceX tỷ phú Elon Musk đã nhiều lần hạn chế quyền truy cập Internet của các thiết bị Starlink trong một số trường hợp đối với quân đội Ukraine. Vị tỷ phú này vẫn chưa bình luận gì về thông tin trên.
Tuy nhiên, vẫn còn một lời giải thích khả dĩ khác cho những khó khăn mà các quân nhân Ukraine đang gặp phải.
"Dựa trên những báo cáo phân tích liên lạc của các binh sĩ Ukraine bị chặn và gặp khó khăn trong việc sử dụng Internet qua vệ tinh Starlink, nhiều người cho rằng việc này là do Nga sử dụng thiết bị chiến tranh điện tử để gây nhiễu thiết bị liên lạc”, Trung tá đã nghỉ hưu của Lực lượng Vũ trang Cộng hòa Nhân dân Lugansk Andrey Marochko trả lời phỏng vấn đài Sputnik ngày 31/7.
Bộ Quốc phòng Nga cũng chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về những đồn đoán này.
Mạng lưới Starlink được công ty hàng không vũ trụ Mỹ SpaceX vận hành. Trong khi hầu hết các dịch vụ Internet vệ tinh được cung cấp bởi các vệ tinh đơn lẻ quay quanh hành tinh ở độ cao 35.786 km, Starlink đóng vai trò là một chòm sao gồm hàng nghìn vệ tinh quay quanh và cách bề mặt Trái Đất ở khoảng cách gần, 550 km.
SpaceX đã cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh cho Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại đây. Vào ngày 11/5/2022, tỷ phú Elon Musk đã tuyên bố trên Twitter: "Cho đến nay, Starlink đã ngăn chặn được các nỗ lực gây nhiễu và tấn công mạng trong chiến tranh mạng của Nga, nhưng phía Nga vẫn đang tăng cường nỗ lực”.
Ngày 18/4/2023, báo The Washington Post đưa tin họ đã thu được một tài liệu tình báo mật rò rỉ của Lầu Năm Góc nói rằng Moskva đã thử nghiệm trong nhiều tháng với "hệ thống tác chiến điện tử Tobol" nhằm phá vỡ đường truyền của Starlink tại Ukraine. Thời gian tài liệu được viết rơi vào tháng 3 và không có thêm bất kỳ chi tiết nào về các cuộc thử nghiệm được tiết lộ.
Đầu tháng 7, một nguồn thạo tin nói với Sputnik rằng Nga đã phát triển một hệ thống tác chiến điện tử (EW) mới có khả năng làm gián đoạn liên lạc của vệ tinh trên quỹ đạo địa tĩnh. Nguồn thạo tin xác định quỹ đạo địa tĩnh cao khoảng 36.000 km trên mực nước biển. Nguồn tin cho hay hệ thống EW mới của Nga cho phép triệt tiêu và vô hiệu hóa vĩnh viễn các thiết bị điện tử của đối phương.
Theo các thông tin được thu thập trước đây, quân đội Nga được trang bị nhiều hệ thống EW tinh vi. Bên cạnh Tobol, Nga sở hữu các hệ thống tân tiến như Krasukha, Moskva, Infauna, Leer và Triad. Một số trong số chúng được sử dụng trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.
"Mọi người phải nhớ rằng bất kỳ liên lạc vệ tinh nào cũng chỉ có thể bị nhiễu trong một khu vực cục bộ nhỏ, tuy nhiên, một tổ hợp đủ mạnh có thể bao phủ một khu vực có thể hàng trăm km2", Dmitry Kornev, nhà phân tích quân sự, người sáng lập cổng thông tin "Quân đội" Nga, nói với Sputnik.
Chuyên gia quân sự giải thích các hệ thống EW chỉ có thể được sử dụng để can thiệp vào mạng lưới thông tin liên lạc của kẻ thù. Ông Kornev lưu ý có một số loại tổ hợp EW của Nga có khả năng hoàn thành các nhiệm vụ này, nhưng cho đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức nào về vấn đề này.
"Sẽ không ai tiết lộ cụ thể về quá trình gây nhiễu Starlink, bởi vì thiết bị tác chiến điện tử là tuyệt mật. Nhìn chung, mọi thứ liên quan đến chúng đều là bí mật. Không ai biết chính xác đặc điểm của những hệ thống này”, Pavel Kalmykov, nhà phân tích của cục phân tích quân sự và chính trị, cho hay.
Tuy nhiên, ông Kalmykov ám chỉ giả định Starlink bị vô hiệu hóa ở Donbass có thể là sự thật.
Về phần mình, đại tá Nga đã nghỉ hưu Viktor Litovkin - một nhà phân tích quân sự, cho rằng Nga chỉ có thể ngắt một phần trong hệ thống mạng vệ tinh của Starlink. "Tôi không nghĩ chúng ta có những hệ thống tác chiến điện tử mạnh đến mức có thể vô hiệu hóa cả 4.000 vệ tinh của Elon Musk. Chúng ta có thực sự cần phải làm điều đó hay không. Tất cả phụ thuộc vào tình hình cụ thể và quyết định của chỉ huy người Nga”, ông Viktor nhấn mạnh.
Theo nhà phân tích Kornev, Starlink bị gián đoạn sẽ dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng đối với Lực lượng Vũ trang Ukraine. "Theo các nhà phân tích phương Tây, các hoạt động quân sự hiện đại phụ thuộc rất nhiều vào thông tin liên lạc. Nghĩa là, nếu một người ngồi trong xe tăng hoặc trong chiến hào, có thông tin về những gì đang xảy ra xung quanh trên chiến trường thì anh ta có đã hoàn thành 50% nhiệm vụ chiến đấu của mình," nhà phân tích giải thích.
Ngoài ra, các mô-đun Starlink mang đến cho quân đội Ukraine cơ hội biến hầu hết các phương tiện không người lái thô sơ nhất thành máy bay không người lái thông minh.
Nếu Nga có cơ hội gây nhiễu Starlink, điều này sẽ trở thành "thảm họa thông tin" đối với Lực lượng Vũ trang Ukraine. Các đơn vị quân đội Ukraine sẽ không thể liên lạc với nhau, trong khi khả năng tấn công bằng máy bay không người lái cũng sẽ bị suy giảm đáng kể. Kết quả là chính quyền Kiev sẽ phải thay đổi cơ bản chiến thuật và thiết bị, đồng thời sẽ mất thời gian quý giá và sự linh hoạt.