Con số thương vong đó đã phản ánh mức độ tiến quân sâu vào vùng đất này của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), cũng như việc Hamas sử dụng hiệu quả các chiến thuật du kích và kho vũ khí mở rộng.
Các chuyên gia quân sự Israel, một chỉ huy IIDF và một nguồn tin nội bộ Hamas đã miêu tả cách thức phong trào Hồi giáo của Palestine này sử dụng các yếu tố như kho vũ khí đa dạng, thông thạo địa hình cũng mạng lưới đường hầm rộng lớn để biến đường phố Gaza thành một mê cung chết chóc.
Theo phân tích của các nhân vật trên, Hamas nắm trong tay nhiều loại vũ khí khác nhau, từ máy bay không người lái được trang bị lựu đạn cho đến vũ khí chống tăng với sức công phá kép mạnh mẽ.
Theo số liệu chính thức của Israel, kể từ khi chiến dịch trên bộ được triển khai vào cuối tháng 10, khoảng 110 binh sĩ Israel đã thiệt mạng trong quá trình xe tăng và bộ binh tiến vào các thành phố và trại tị nạn. Khoảng một phần tư trong số đó là lính xe tăng.
Số thương vong trên gần gấp đôi con số 66 binh sĩ thiệt mạng trong vụ xung đột năm 2014, khi Israel tiến hành một cuộc tấn công trên bộ kéo dài ba tuần hạn chế hơn, nhưng mục tiêu khi đó không phải là loại bỏ Hamas.
Ông Yaacov Amidror, thiếu tướng Israel đã nghỉ hưu và cựu cố vấn an ninh quốc gia hiện làm việc tại Viện Do Thái về An ninh Quốc gia Mỹ (JINSA) cho biết: “Không thể so sánh quy mô của cuộc chiến này với năm 2014, khi lực lượng của chúng tôi hầu như hoạt động không sâu hơn 1km bên trong Gaza”.
Ông cho biết IDF vẫn chưa tìm ra giải pháp tối ưu để xử lý hệ thống đường hầm của Hamas, sau khi mạng lưới này được mở rộng đáng kể trong thập kỷ qua.
Chiến dịch trả đũa của Israel được phát động sau khi Hamas bất ngờ đột kích xuyên biên giới Israel ngày 7/10, sát hại hơn 1.200 người và bắt khoảng 240 người làm con tin. Một số con tin đã được giải cứu.
Kể từ khi xung đột nổ ra, gần 19.000 người đã thiệt mạng ở Gaza, làm dấy lên lời kêu gọi trong cộng đồng quốc tế về một lệnh ngừng bắn kéo dài. Các bên thậm chí kêu gọi Mỹ, đồng minh lớn của Israel, thay đổi chiến lược và tấn công chính xác hơn.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu ngày 14/12 tuyên bố Israel sẽ tiến hành chiến tranh cho đến khi giành chiến thắng tuyệt đối. Các quan chức Israel dự đoán chiến dịch này có thể kéo dài vài tháng.
Ông Ophir Falk, cố vấn chính sách đối ngoại của Thủ tướng Netanyahu, nói với hãng tin Reuters rằng cuộc chiến đã được xác định là một thử thách ngay từ ngày đầu tiên. Ông đồng thời cho biết cuộc tấn công là “cái giá đắt” đối với binh lính Israel và họ sẽ còn phải chịu thêm nhiều hao tổn nữa để hoàn thành nhiệm vụ.
Giao tranh ác liệt
Phong trào Hamas đã đăng một số đoạn video cho thấy các tay súng đeo camera gắn trên người len lỏi qua các tòa nhà để phóng tên lửa vác vai vào xe bọc thép. Một trong số đó, được đăng vào ngày 7/12, được quay tại Shejaiya, phía Đông thành phố Gaza, khu vực mà cả hai bên đều báo cáo tình hình giao tranh ác liệt.
Một nguồn tin giấu tên của Hamas cho biết các máy bay chiến đấu đã di chuyển áp sát hết sức có thể để tiến hành các vụ phục kích những người di chuyển xung quanh hoặc chui ra từ các đường hầm.
Hamas không tiết lộ con số thương vong ở phía họ. Tuy nhiên, quân đội Israel cho biết đã tiêu diệt ít nhất 7.000 thành viên của nhóm vũ trang này. Hamas bác bỏ con số mà IDF đưa ra, cho rằng nó bao gồm cả thương vong của dân thường.
Một chỉ huy Israel, người từng tham chiến vào năm 2014, cho biết phạm vi mở rộng của chiến dịch tấn công đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều quân Israel hoạt động trên mặt đất hơn. Trên mặt đất, Hamas có nhiều lợi thế phòng thủ hơn, do đó thương vong của IDF sẽ cao hơn.
Quân đội Israel không công bố số lượng quân tham gia vào chiến dịch tấn công trên bộ.
Kênh truyền hình Channel 12 của Israel chiếu cảnh một đơn vị cẩn trọng tiến qua những cánh cửa có cài bẫy, đập xuyên tường của một tòa nhà để vào một căn phòng và phát hiện ra một kho đạn dược.
Tái sử dụng chiến thuật của năm 2014, quân đội Israel đã triển khai máy ủi bọc thép để phá hủy các công trình xây dựng để binh lính tránh được nguy cơ bị gài bẫy thuốc nổ.
Ngay cả ở một số quận phía Bắc Gaza, nơi nhiều tòa nhà đã biến thành đống đổ nát, giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn.
Xây dựng lực lượng
Ông Eyal Pinko, cựu quan chức cấp cao của cơ quan tình báo Israel và hiện làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Begin-Sadat của Đại học Bar Ilan, tin rằng Hamas đã thực hiện một số bước tiến lớn để xây dựng lực lượng kể từ năm 2014.
Ông cho biết một số vũ khí tiên tiến, chẳng hạn như tên lửa chống tăng Kornet do Nga thiết kế, đã được buôn lậu đến tay Hamas. Nhưng Hamas đã thành thạo trong việc chế tạo các loại vũ khí khác ở Gaza, chẳng hạn như súng phóng lựu RPG-7. Và lực lượng này hiện nắm trong tay kho dự trữ đạn dược lớn hơn.
Các bài đăng của Hamas cho thấy vũ khí của nhóm này có cả vũ khí chống tăng với hai mũi nhọn xuyên giáp. Video của phía Hamas thường chiếu cảnh những vụ nổ lớn khi xe quân sự của Israel va chạm với bẫy mìn. Tuy nhiên, giới quân sự Israel lưu ý những vụ nổ đó không đồng nghĩa với việc phương tiện bị phá hủy. Thay vào đó, tiếng nổ có thể do hệ thống phòng thủ phát nổ nhằm ngăn chặn các quả đạn bay tới.
Ông Ashraf Abouelhoul, Tổng biên tạp nhật báo Al-Ahram của Ai Cập, người trước đây làm việc ở Gaza và là chuyên gia về các vấn đề của Palestine, cho hay các tay súng Hamas gần như đạt được năng lực tự sản xuất tên lửa và đạn pháo.
Dù vậy, ông cho rằng máy bay không người lái của Israel và các chiến thuật du khách khác của Hamas đã bắt đầu giảm hiệu quả, ngay cả ở khu vực thành thị. Ông nói rằng việc chiến đấu trong thành phố đã trở nên khó khăn hơn đối với chính các thành viên của phong trào Hồi giáo này.