Cơ quan Quản lý Chương trình Mua sắm Quốc phòng (DAPA) của Hàn Quốc cho biết Ủy ban xúc tiến dự án quốc phòng đã phê duyệt dự án trị giá 1.850 tỷ won (1,41 tỷ USD) nhằm phát triển máy bay chiến đấu điện tử từ năm 2024 đến 2032 trong nỗ lực đặt nền tảng cho hệ thống ứng phó chiến tranh điện tử trong tương lai.
Ngoài ra, ủy ban trên cũng "bật đèn xanh" cho kế hoạch trị giá 3.700 tỷ won để mua máy bay trực thăng chuyên dụng đặc biệt hạng nặng của nước ngoài trong giai đoạn 2024-2031, tuy nhiên không nói rõ số lượng máy bay trực thăng sẽ mua. Theo DAPA, máy bay chiến đấu mới sẽ thay thế máy bay trực thăng chuyên dụng và các máy bay trực thăng tìm kiếm, cứu hộ đang trở nên cũ kỹ của quân đội và không quân.
Bên cạnh đó, Ủy ban xúc tiến các dự án quốc phòng cũng phê duyệt kế hoạch trị giá 610 tỷ won phát triển tên lửa đạn đạo hạm đối đất thông qua nghiên cứu trong nước giai đoạn 2024-2036. Tên lửa này được kỳ vọng sẽ ngăn chặn các mối đe dọa tiềm tàng và cho phép phản ứng sớm trước các mối đe dọa tên lửa đạn đạo và hạt nhân.
Ủy ban trên còn phê duyệt kế hoạch 5 năm về phát triển ngành vũ khí, đề ra định hướng chính sách chung và các nhiệm vụ cho đến năm 2027.
Trong diễn biến khác, cùng ngày, DAPA và tập đoàn quốc phòng Boeing của Mỹ đã ký bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu và phát triển các hệ thống vũ khí tiên tiến.
Biên bản này được người đứng đầu DAPA Eom Dong-hwan và Giám đốc điều hành Boeing Defense, Space&Security, Theodor Colbert ký kết tại thủ đô Seoul nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển các vũ khí tiên tiến chuẩn bị cho chiến tranh trong tương lai.
Theo thông báo, hai bên dự kiến quyết định về các dự án nghiên cứu vào cuối năm 2023 và thiết lập các nền tảng đối thoại cấp cao và cấp chuyên gia, với sự tham gia của giới chức từ các viện nghiên cứu quốc phòng và quân đội Hàn Quốc.
Thời gian gần đây, Hàn Quốc đã nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp quốc phòng của nước này, cũng như tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu vũ khí sau khi ký kết một loạt hợp đồng quan trọng hồi năm ngoái.