Theo hãng tin Reuters, sau quá trình thảo luận kéo dài nhiều tháng, các nhà đàm phán của Chính phủ Mỹ và đại diện của lực lượng Hồi giáo Taliban đã đi đến một dự thảo thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 18 năm qua tại Afghanistan.
Dự thảo này cần được Tổng thống Mỹ Donald Trump phê chuẩn. Người đồng cấp Afghanistan Ashram Ghani cũng đã gặp Đặc phái viên hòa giải Mỹ phụ trách vấn đề Afghanistan Zalmay Khalilzad và có kế hoạch “nghiên cứu cũng như đánh giá” các chi tiết cụ thể trong thỏa thuận.
Nếu các bên nhất trí, thỏa thuận sau khi được ký kết sẽ có tác dụng ngăn phiến quân Taliban sử dụng Afghanistan để thực hiện các cuộc tấn công vào Mỹ và các đồng minh của Washington. Thỏa thuận còn bao gồm một điều khoản xây dựng cuộc đàm phán nội bộ Afghanistan nhằm chấm dứt xung đột giữa Taliban và chính phủ do phương Tây hậu thuẫn ở Kabul.
Trước đó, vào ngày 31/8, trong một tuyên bố đăng trên Twitter, Đặc phái viên Zalmay Khalilzad cho biết hai bên đang tiến rất gần một thỏa thuận, theo đó sẽ giảm tình trạng bạo lực và mở đường cho người Afghanistan đàm phán với nhau về một nền hòa bình "bền vững và đáng tôn trọng".
Vòng đàm phán thứ 9 giữa các đại diện của Mỹ và lực lượng Taliban khởi động từ ngày 22/8 tại Doha, được coi là vòng đối thoại mang tính quyết định đối với việc chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 2 thập kỷ qua tại quốc gia Tây Nam Á này sau khi cả hai bên đều phát đi những tín hiệu sắp tiến gần tới một thỏa thuận.
Hãng tin Reuters dẫn lời một phát ngôn viên phát biểu: "Đối với chúng tôi, một nền hòa bình hoặc con đường dẫn đến một nền hòa bình có ý nghĩa là chấm dứt bạo lực và đàm phán trực tiếp với Taliban”.
Tuy nhiên, theo một số thông tin đăng trên báo New York Times (NYT), một vài cố vấn Nhà Trắng đề xuất bí mật mở rộng sự hiện diện của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) tại Afghanistan trong trường hợp Mỹ rút quân. Một vài quan chức bày tỏ họ muốn lực lượng được CIA hậu thuẫn hiện diện tại Afghanistan như một phần trong lực lượng chống khủng bố.
Họ cho rằng lực lượng trên có thể dập tắt những mối lo ngại rằng Mỹ không còn khả năng ngăn chặn các nhóm khủng bố lợi dụng Afghanistan làm căn cứ hoạt động. NYT cho biết thông tin trên được đưa ra dựa trên nội dung phỏng vấn với gần 10 quan chức Chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, CIA và Nhà Trắng đều không lên tiếng xác nhận thông tin.
Mỹ đang có khoảng 14.000 binh sĩ đóng quân tại Afghanistan, thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, cố vấn và hỗ trợ các lực lượng Afghanistan trong cuộc chiến chống Taliban, cũng như các tổ chức khủng bố bao gồm al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS).