Theo tờ Business Insider, ngày 4/8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã công bố hình ảnh chính thức về hoạt động của những chiếc F-16 đầu tiên tới nước này qua một video đăng tải trên mạng xã hội X. Nhà lãnh đạo Ukraine ca ngợi sự xuất hiện của những chiếc máy bay này là một “giai đoạn phát triển mới” đối với lực lượng không quân Ukraine. Cho đến nay, Kiev mới chỉ vận hành một loạt máy bay chiến đấu cũ kỹ từ thời Liên Xô.
Video Tổng thống Zelenskyy công bố hoạt động của F-16 tại Ukraine (nguồn: Volodymyr Zelenskyy/X):
Bấp chấp những mong đợi mang lại kết quả đột phá trong giao tranh từ những chiếc máy bay này, các tướng lĩnh hàng đầu của Mỹ, các quan chức Ukraine và các chuyên gia đã cảnh báo F-16 không hẳn là “kẻ thay đổi cuộc chơi”. Trên thực tế, Ukraine phải đối mặt với một môi trường hoạt động khó khăn với các máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không tinh vi của Nga, trong khi đó số lượng F-16 và các loại vũ khí tối tân khác cấp cho Ukraine theo lời của Tổng thống Zelenskyy là chưa đủ để tạo ra tác động đáng kể.
Tùy thuộc vào cấu hình vũ khí, F-16 vẫn có thể khá hiệu quả trong một số vai trò nhất định. Đoạn video mà Tổng thống Zelenskyy công bố sẽ phần nào gợi ý về nhiệm vụ mà các máy bay chiến đấu mới có thể thực hiện để ứng phó trước lực lượng Nga.
Bắn hạ thiết bị không người lái
Đoạn video cho thấy một chiếc F-16 của Ukraine được trang bị Tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AIM-120 (hay còn gọi là AMRAAM) và tên lửa AIM-9.
Việc bổ sung đặc biệt này, không bao gồm bất kỳ loại vũ khí không đối đất nào, cho thấy Ukraine ban đầu có thể sử dụng F-16 như một loại vũ khí không đối không, trái ngược với vai trò hỗ trợ tầm gần (CAS) hoặc trấn áp phòng không của đối phương (SEAD/DEAD).
AIM-120 là tên lửa hoạt động trong mọi thời tiết, trải rộng tầm nhìn với radar chủ động giúp nó ít phụ thuộc vào máy bay. Tên lửa này có nhiều biến thể khác nhau với tầm bắn và khả năng khác nhau.
Các quan chức Ukraine trước đó từng tiết lộ họ có thể nhận được AIM-120D mới nhất, có tầm bắn xa hơn các phiên bản cũ. Tuy nhiên, với sự suy đoán từ các chuyên gia rằng do các nước phương Tây lo sợ tên lửa này rơi vào tay Nga, nên việc sở hữu AIM-120D của Ukraine là không khả thi. Họ đánh giá có khả năng Kiev sẽ chỉ nhận tên lửa biến thể AIM-120C.
Bên cạnh AIM-120, một loại vũ khí khác có thể nhìn thấy gắn liền với F-16 của Ukraine là AIM-9 Sidewinder, loại tên lửa siêu vượt âm không đối không tầm ngắn, lần đầu tiên được đưa vào sử dụng vào những năm 1950. Mặc dù nó là một hệ thống cũ nhưng hiệu quả tác chiến của nó được đánh giá là rất thành công.
Biến thể AIM-9M có tầm bắn lên tới 16km. Theo Tạp chí Phố Wall (WSJ), Ukraine sẽ nhận được biến thể AIM-9X mới nhất.
Nếu lực lượng không quân Ukraine có trong tay AIM-120D và AIM-9X, các máy bay F-16 của nước này có thể hợp tác cùng các tên lửa không đối không tiên tiến nhất của Mỹ, giúp khả năng chiến đấu trên không được cải thiện.
Bên cạnh các tên lửa không đối không, F-16 có thể trang bị thêm hệ thống Hệ thống phân phối tích hợp Pylon Plus (PIDS+) tự vệ, có các cảm biến có thể giúp máy bay phát hiện các mối đe dọa sắp tới như tên lửa của đối phương.
Justin Bronk, chuyên gia về công nghệ và sức mạnh không quân tại Viện Nghiên cứu Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia (Anh), cho biết hình ảnh các tên lửa không đối không được thấy trong buổi ra mắt máy bay chiến đấu F-16 của Ukraine phản ánh "sự tập trung ban đầu vào các cuộc xuất kích nhằm vào thiết bị bay không người lái và tên lửa hành trình Shahed/Geran của Nga.
Đối đầu với các chiến đấu cơ
Với năng lực không đối không, Ukraine cũng có thể tìm cách sử dụng F-16 để đối đầu với các máy bay ném bom chiến đấu Su-34 hoặc máy bay chiến đấu như MiG-31 hoặc Su-35. Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá năng lực và chiến thuật của các máy bay Nga vẫn luôn là một thách thức đối với lực lượng Ukraine.
Một số máy bay Nga thả bom có thể ngay lập tức lùi lại, khiến chúng khó bị tấn công hơn. Trong khi đó, Ukraine lại cần đưa những chiếc F-16 của mình ra khỏi tầm bắn của các tên lửa không đối không tầm xa Nga, như R-37, cũng như các hệ thống phòng không trên mặt đất của nước này.
Theo ông Vincent Aiello, cựu phi công hải quân Mỹ từng lái F-16, Ukraine vẫn có thể tìm cách tấn công thành công những chiếc máy bay Nga bằng cách tận dụng chiến thuật.
“Không phải lúc nào cũng là do máy bay. Bạn có thể đưa ra các chiến thuật – cho dù đó là tốc độ, độ cao, đánh lừa, gây nhiễu, bất cứ điều gì –thì bạn vẫn có thể có lợi thế và hy vọng hạ gục máy bay địch”, ông Vincent nhận định.
Cho đến nay, giới lãnh đạo quân sự Ukraine đều ngầm thừa nhận họ không có ý định đưa các máy bay chiến đấu mới, vốn chỉ có nguồn cung hạn chế, vào tình thế rủi ro lớn.
Trong một cuộc phỏng vấn với báo Anh Guardian đầu tháng 8, Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine Đại tá Oleksandr Syrskyi cho hay sự xuất hiện của F-16 sẽ giúp tăng cường khả năng phòng không của Ukraine nhưng ông không muốn chúng đến quá gần tiền tuyến, với nguy cơ bị bắn hạ cao hơn.
Ngoài các nhiệm vụ trên không, Ukraine cũng có thể sử dụng F-16 cho các nhiệm vụ không đối đất, đặc biệt là nhắm vào các hệ thống phòng không của Nga.
Ukraine đã có sẵn tên lửa AGM-88 HARM do Mỹ cung cấp và tên lửa chống bức xạ tốc độ cao có khả năng phát hiện các hệ thống radar. Những vũ khí này đã được trang bị trên các máy bay thời Liên Xô và giờ chúng được đánh giá hiệu quả hơn khi trang bị lên F-16.
Mike Torrealday, một đại tá Không quân Mỹ đã nghỉ hưu từng lái F-16 tham gia các nhiệm vụ ở Trung Đông, đánh giá F-16 có thể thực hiện tất cả các vai trò được yêu cầu, từ tấn công mặt nước, không đối không, tấn công hàng hải…