Tại cuộc bỏ phiếu ngày 14/8, dự thảo nghị quyết của Mỹ chỉ nhận được 2 phiếu ủng hộ, 2 phiếu chống và 11 phiếu trắng. Trung Quốc và Nga bỏ phiếu chống, CH Dominica cùng Mỹ ủng hộ, trong khi các thành viên còn lại bỏ phiếu trắng.
Lệnh cấm vận nói trên sẽ hết hiệu lực vào ngày 18/10 tới, theo nghị quyết 2231 của HĐBA ủng hộ thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Tehran đã ký với nhóm P5+1 (gồm 5 nước thành viên HĐBA và Đức) năm 2015. Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi JCPOA hồi tháng 5/2018 và tái áp đặt các trừng phạt chống Iran, làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước cũng như trong khu vực.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bày tỏ thất vọng trước kết quả bỏ phiếu nói trên tại HĐBA. Về phần mình, trả lời phỏng vấn của hãng tin Fox News, Cố vấn An ninh quốc gia Robert O'Brien cho biết: "Mỹ sẽ sử dụng các công cụ khác, sẽ áp dụng các biện pháp khắc nghiệt hơn tại LHQ". Ông cảnh báo các lệnh trừng phạt trước năm 2015 "sẽ có hiệu lực trở lại".
Tuy nhiên, trong một phát biểu cùng ngày, đại diện thường trực của Trung Quốc tại LHQ, ông Trương Quân (Zhang Jun) cho biết Mỹ không còn là một bên tham gia JCPOA, vì vậy không đủ tư cách đề nghị HĐBA tái áp đặt các lệnh trừng phạt chống Iran từng thông qua trước năm 2015. Theo ông, đại đa số thành viên HĐBA cho rằng ý định của Mỹ không có cơ sở pháp lý.
Tháng 6 vừa qua, Ngoại trưởng Anh, Pháp và Đức cũng bày tỏ sẽ không ủng hộ các nỗ lực đơn phương nhằm tái áp đặt các trừng phạt của LHQ chống Iran.