"Học thuyết quốc phòng của Iran được hình thành dựa trên sự tin tưởng mạnh mẽ vào người dân và năng lực trong nước... Vũ khí không theo quy ước, vũ khí hủy diệt hàng loạt và việc chạy đua mua vũ khí theo quy ước không nằm trong học thuyết quốc phòng của Iran", hãng tin Reuters dẫn một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Iran đăng tải ngày 17/10.
Vào ngày 18/10, lệnh cấm vận mua bán vũ khí của LHQ kéo dài 5 năm qua nhằm vào Iran được dỡ bỏ phù hợp với thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 ký kết giữa nước này với Nga, Trung Quốc, Đức, Anh, Pháp và Mỹ. Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định việc dỡ bỏ lệnh cấm vận là một trong những thành quả của thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), theo đó, từ ngày 18/10 Iran có thể mua và bán vũ khí. “Việc bình thường hóa hợp tác quốc phòng của Iran với thế giới ngày nay là một chiến thắng vì mục tiêu đa phương và hòa bình và an ninh trong khu vực của chúng ta”, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif thông báo trên mạng xã hội Twitter.
Tuy nhiên, căng thẳng giữa Washington và Tehran leo thang kể từ khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018. Hồi tháng 8, chính quyền Tổng thống Trump khởi động một quy trình nhằm tái duy trì các lệnh trừng phạt của LHQ sau khi Hội đồng Bảo an LHQ bác bỏ đề nghị của Mỹ nhằm gia hạn lệnh cấm vận mua bán vũ khí thông thường đối với nước này.
Vài ngày sau khi khởi động quá trình này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo Nga và Trung Quốc không nên coi thường việc tái áp đặt tất cả các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Iran mà Washington đã yêu cầu. Khi được hỏi liệu Mỹ có nhắm vào Nga và Trung Quốc bằng các biện pháp trừng phạt nếu họ từ chối áp dụng lại các biện pháp trừng phạt Iran hay không, Ngoại trưởng Pompeo trả lời: “Hoàn toàn có thể.”
“Chúng tôi đã làm điều đó, đưa ra lệnh trừng phạt đối với bất kỳ quốc gia nào vi phạm ... Mọi quốc gia đều phải có trách nhiệm. Chúng tôi cũng sẽ làm điều tương tự đối với các lệnh trừng phạt rộng hơn của Hội đồng Bảo an LHQ”, nhà chức trách nhấn mạnh.
Iran đã phát triển một ngành công nghiệp vũ khí lớn trong nước khi đối mặt với các lệnh trừng phạt và cấm vận quốc tế khiến nước này không được nhập khẩu nhiều vũ khí.