Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi đã bác bỏ "giải pháp chính trị và phi kỹ thuật" của IAEA, đồng thời khẳng định Iran đang hợp tác với IAEA ở mức độ cao nhất. Ông Mousavi nhấn mạnh việc thông qua nghị quyết này là một động thái hoàn toàn không mang tính xây dựng và đáng thất vọng. Theo ông Mousavi, nghị quyết này của IAEA chịu sức ép của một số nước, trong đó có Mỹ, nhằm tạo ra một cuộc khủng hoảng mới trong hợp tác giữa Iran và IAEA.
Cùng ngày, đại diện thường trực của Iran tại các tổ chức quốc tế ở Vienna (Áo), ông Gharib Abadi đã chỉ trích IAEA thông qua nghị quyết chống lại Tehran. Trong một tuyên bố, ông Abadi nhấn mạnh: “Việc thông qua nghị quyết này sẽ không bao giờ khuyến khích Iran trao quyền tiếp cận cho Cơ quan (IAEA) dựa trên những luận điệu bịa đặt và vô căn cứ hoặc sẽ buộc Iran từ bỏ các lập trường mang tính nguyên tắc… Iran rõ ràng lấy làm tiếc về nghị quyết này và sẽ đưa ra hành động thích đáng để đáp trả, và những hậu quả của nó sẽ tùy thuộc vào các bên bảo trợ cho nghị quyết này”.
Trước đó cùng ngày, Hội đồng Thống đốc gồm 35 thành viên của IAEA đã thông qua nghị quyết kêu gọi Iran hợp tác đầy đủ với IAEA và cho phép các thanh sát viên của tổ chức này tiếp cận 2 cơ sở hạt nhân của Iran. Đây là nghị quyết đầu tiên của IAEA liên quan chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo này kể từ năm 2012.
Trong một động thái khác, Anh, Pháp và Đức ngày 19/6 tuyên bố sẽ không ủng hộ những nỗ lực của Mỹ nhằm tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ) đối với Iran.
Tuyên bố chung của ngoại trưởng Anh, Pháp, Đức đưa ra sau hội nghị ở Berlin nhằm thảo luận về tình hình Iran nhấn mạnh: “Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm tái áp đặt các lệnh trừng phạt của LHQ sẽ đều gây ra những hậu quả bất lợi nghiêm trọng tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Chúng tôi sẽ không ủng hộ một quyết định như vậy, bởi nó sẽ không phù hợp với những nỗ lực hiện nay của chúng tôi nhằm bảo vệ Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (thỏa thuận hạt nhân Iran - JCPOA)”.
Theo Nghị quyết 2231 của ĐHBA LHQ, lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran sẽ được dỡ bỏ vào tháng 10/2020. Tuy nhiên, Mỹ cho biết nước này đang cân nhắc "mọi khả năng" nhằm khôi phục lệnh cấm trên của HĐBA LHQ, theo đó cấm bán vũ khí thông thường cho Iran. Về phần mình, Iran tuyên bố nước này sẽ không chấp nhận việc khôi phục lệnh cấm vận nói trên. Chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã thực thi chính sách cứng rắn hơn đối với Iran. Washington đang tìm cách gia hạn lệnh cấm vận của LHQ dự kiến sẽ hết hạn vào tháng 10 tới theo JCPOA.
Năm 2015, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Đức, Anh và Pháp đã ký với Iran JCPOA nhằm ngăn chặn Teheran phát triển vũ khí hạt nhân đổi lấy sự nới lỏng trừng phạt, trong đó có việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí. HĐBA LHQ đã ghi nhận thỏa thuận trên trong một nghị quyết, trong đó vẫn nêu Mỹ là một bên tham gia mặc dù nước này đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận. Washington đã dựa vào chi tiết này để lập luận rằng có thể khôi phục các biện pháp trừng phạt của LHQ. Trong khi đó, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia mới đây đã bác bỏ việc Mỹ khẳng định vẫn là một bên của thỏa thuận hạt nhân Iran. Ông nêu rõ: "Họ (Mỹ) không phải là một bên tham gia và không có quyền kích hoạt".