Theo đài Sputnik (Nga), hồi tháng 5, tàu khu trục Sahand và tàu hậu cần Makran của Iran đã lên đường đến Đại Tây Dương. Động thái này từng khiến truyền thông Mỹ đồn đoán rằng đội tàu này có thể vận chuyển vũ khí tới Venezuela, đồng thời làm dấy lên tranh cãi về việc liệu Washington có quyền điều các chiến hạm ngăn chặn chúng hay không.
"Đội tàu của chúng ta đã có mặt ở khu vực bờ biển của Gambia vào tuần trước. Tất nhiên, một phần của sự hiện diện đó là do người Mỹ từng nói rằng Iran không thể có mặt ở Đại Tây Dương. Mỹ hiện lo ngại rằng lần đầu tiên trong lịch sử Iran, cánh cổng của Đại Tây Dương đã mở ra cho chúng ta. Mỹ đã thiết lập các căn cứ quanh Iran suốt nhiều năm và đang khiếp sợ khi chúng ta ở cách 5.000 km. Họ sợ sự hiện diện của Iran sẽ phá vỡ quyền bá chủ của Washington", Tư lệnh Hải quân Iran, Chuẩn Đô đốc Hossein Khanzadi tiết lộ trong một bài phát biểu mới trên truyền hình quốc gia.
Chuẩn Đô đốc Hải quân Iran cũng tuyên bố việc nước này lần đầu tiên điều các chiến hạm đến Đại Tây Dương nhằm "truyền tải một thông điệp đặc biệt" về sự ủng hộ của Tehran với những nước đang bị chèn ép trên thế giới.
Hải quân Iran dự kiến sắp tiếp nhận một số tàu chiến mới, bao gồm một thủy phi cơ phóng tên lửa do nước này tự chế vào trước cuối năm nay.
"Tôi đã theo dõi từng bước kế hoạch chế tạo thủy phi cơ này và Bộ Quốc phòng đã cam kết sẽ chuyển giao con tàu được trang bị tên lửa này cho Hải quân vào tháng 12 tới đây", ông Khanzadi nói và cho biết rằng thêm nhiều chiến hạm khác - bao gồm tàu khu trục lớp Moudge Damavand và Konarak, một tàu chiến mới - cũng sẽ gia nhập hạm đội hải quân vào mùa thu năm nay.
Khanzadi tiết lộ thêm rằng một tàu tình báo tầm xa chưa được đặt tên cũng sẽ biên chế hoạt động trong tương lai gần, để tăng cường khả năng tấn công trên biển của Iran. Một công ty Iran gần đây đã thiết kế và chế tạo một động cơ diesel hàng hải mới cho Hải quân, nhằm mở rộng khả năng tự cung tự cấp cho lực lượng trong lĩnh vực này.
Ông Khanzadi nhấn mạnh sự an toàn của các khu vực biên giới trên biển của Iran cũng đã được đảm bảo. Không còn có tàu nước ngoài nào có khả năng hiện diện trong khu vực mà không bị quân đội Iran giám sát, bao gồm cả máy bay không người lái của hải quân và không quân. Lãnh đạo Hải quân Iran cũng tự tin rằng các lực lượng Israel hiện không có cách nào xâm nhập vào lãnh thổ nước này.
“Đối với Israel, sự hiện diện trong khu vực địa lý của chúng ta giống như một giấc mơ và ảo vọng,” ông Khanzadi nói.