Hải quân Mỹ cho biết sau hơn một năm triển khai tại tuyến hàng hải huyết mạch này đã không còn xảy tình trạng tiếp cận nguy hiểm trên biển với các tàu của Iran. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đó, Iran lại tăng cường sử dụng các thiết bị bay không người lái (UAV) trên vùng vịnh này, khiến giới chức Mỹ lo ngại.
Các quan chức Thủy quân lục chiến và Hải quân Mỹ cho hay các tàu chiến nước này tại Vịnh Ba Tư đang thường xuyên bị máy bay không người lái của Iran bay lượn phía bên trên.
Business Insider dẫn lời Đại úy Chloe Morgan, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Hải quân Mỹ ngày 18/10 cho hay vụ chạm trán thiếu chuyên nghiệp cuối giữa Washington và Tehran trên biển là từ ngày 14/8/2017. Trong sự vụ mới đây nhất, một thiết bị bay không gắn đèn hiệu đã bay gần một máy bay đang hạ cánh trong đêm trên tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ.
Trước đó, ngày 8/8/2017, một thiết bị bay Iran đã hoạt động gần một máy bay quân sự F/A-18E Super Hornet của Mỹ, buộc chiến đấu cơ này phải chuyển hướng để tránh va chạm.
Theo trang tin của Viện Hải quân Mỹ (USNI), các quan chức cho biết trong tuần qua, các vụ do thám của máy bay không người lái Iran đã trở thành một phần “chào đón thông thường” đối với Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ. Đáp lại, các chỉ huy tàu Hải quân Mỹ tăng cường giám sát không phận cũng như duy trì nhiều lớp phòng thủ trong đó tàu khu trục giữ vai trò quan trọng.
Phát biểu về hoạt động triển khai tàu tấn công đổ bộ USS Iwo Jima tại Vịnh Ba Tư hồi tháng 6, Đại úy Hải quân Jack Killman nói: “Chúng tôi được Iran đón tiếp như thường lệ: UAV bay lượn, chính xác như điều chúng tôi được huấn luyện. Không hề ngạc nhiên”.
Hiện diện cùng lúc với tàu Iwo Jima còn có hai tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ. Những tàu khu trục này được trang bị hệ thống radar tân tiến, có thể phát hiện và nhận dạng các tàu thuyền và UAV đến gần.
“Ngay cả khi các sự cố đã giảm, chúng tôi vẫn quan ngại về số lượng gia tăng các UAV hoạt động trên không phận quốc tế vào ban đêm mà không gắn đèn hiệu hay hệ thống phát tín hiệu theo các tiêu chuẩn quốc tế”, Đại úy Morgan nói.
Tuy nhiên, Hải quân Mỹ khẳng định các tàu chiến nước này sẽ không thay đổi kế hoạch hành động, bất chấp việc Iran tăng cường triển khai UAV. “Hải quân Mỹ không điều chỉnh các chiến dịch và sẽ tiếp tục hoạt động tại bất cứ đâu luật pháp quốc tế cho phép”, Đại úy Morgan nhấn mạnh, đồng thời cam kết tiếp tục sứ mệnh bảo đảm tự do hàng hải trên vùng biển quốc tế.
UAV và tàu nhỏ chỉ là hai thành phần trong lớp phòng thủ được Iran áp dụng tại Vùng Vịnh, đặc biệt vùng biển quanh Eo biển Hormuz – nơi 1/3 lượng dầu trên thế giới được vận chuyển qua đây.
Hiện Iran căng thẳng với Mỹ liên quan đến các vấn đề tên lửa và hạt nhân. Hồi tháng 5, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận quốc tế về chương trình hạt nhân Iran ký kết năm 2015 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran. Tổng thống Trump chỉ trích thỏa thuận đó là một sai lầm vì không ngăn chặn được Iran phát triển tên lửa đạn đạo cũng như nước này hậu thuẫn các phần tử ở Syria, Yemen và Iraq.
Phản ứng trước những tuyên bố gay gắt từ Mỹ, Iran khẳng định chương trình tên lửa của nước này hoàn toàn chỉ mang tính chất phòng thủ. Chính quyền nước này cũng loại trừ việc đàm phán với Washington về năng lực quân sự và bác bỏ mọi cáo buộc của Mỹ cho rằng các hoạt động của Iran tại Trung Đông là gây bất ổn.