Tờ New York Times dẫn lời các quan chức Israel cho hay gần đây, hệ thống laser Iron Beam (Tia Sắt) đã thành công vượt qua loạt thử nghiệm bắn đạn thật trên vùng sa mạc phía nam Israel. Vũ khí này đã phá hủy một tên lửa, một quả đạn cối và một máy bay không người lái.
"Tân binh" thay đổi cuộc chơi
Tel Aviv đã phân bổ hàng trăm triệu USD để phát triển loại siêu súng laser mới - thứ vũ khí được Thủ tướng Naftali Bennett mô tả là một "kẻ thay đổi cuộc chơi chiến lược". Ông cam kết sẽ bao bọc Israel bằng một bức tường laser.
Nhóm chuyên gia tham gia phát triển cho biết siêu súng laser Tia Sắt vẫn cần vài năm nữa mới có thể hoạt động hoàn toàn trên thực địa. Tuy vậy, nhiều khả năng nó chưa thể phát huy hết công suất trong việc bảo vệ Israel khỏi hỏa lực đang bay tới. Các quan chức Israel cũng chưa cho biết liệu nó có hiệu quả chống lại các tên lửa dẫn đường chính xác cao mà Tel Aviv cho rằng phong trào Hồi giáo Hezbollah đang phát triển hay không.
Dù vậy, loại vũ khí laser thường thấy trong phim khoa học viễn tưởng nay đã xuất hiện ngoài đời thực. Ít nhất một vũ khí laser - Helios của tập đoàn Lockheed Martin - đã được triển khai trên các tàu Hải quân Mỹ.
Tiến sĩ Thomas Karako, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho biết Quân đội Mỹ cũng đang nghiên cứu về vũ khí laser, trong đó có những loại đủ mạnh để bắn hạ tên lửa hành trình.
Tuy nhiên, hiện chưa có sản phẩm nào được thử nghiệm thực chiến và chùm tia laser cũng có những hạn chế nghiêm trọng, chẳng hạn như không thể bắn xuyên qua đám mây.
Hệ thống phòng không laser trên mặt đất Tia Sắt nhằm bổ sung chứ không phải thay thế các thành viên khác trong kho vũ khí phòng không của Israel. Chúng bao gồm hệ thống đánh chặn tên lửa tầm ngắn nổi tiếng Iron Dome (Vòm Sắt) cũng như các hệ thống đánh chặn tầm trung và tầm xa khác.
Trong khi các hệ thống đó bắn tên lửa dẫn đường cỡ nhỏ để đánh chặn các đầu đạn đang bay tới, vũ khí mới sẽ phóng chùm tia laser vào một điểm cụ thể trên đường bay và đốt cháy nó. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz tuyên bố đất nước Do Thái này là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới phát triển được loại vũ khí như vậy.
Chuẩn tướng Yaniv Rotem - người đứng đầu nhóm nghiên cứu và phát triển của Bộ Quốc phòng - cho biết trong các cuộc thử nghiệm bắn đạn thật vào tháng 3, các mối đe dọa trên không đã bị chặn lại trong vòng vài giây sau khi được phát hiện, thay vì vài phút như trong các cuộc thử nghiệm trước đó và ở phạm vi lên đến 10 km.
Vô số thất bại trong quá khứ
Sứ mệnh chế tạo vũ khí laser từ lâu đã không dễ dàng. Năm 1983, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã tạo ra Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược, vốn bị nhiều người chế giễu là "Chiến tranh giữa các vì sao", nhằm tìm cách bắn hạ tên lửa đạn đạo hạt nhân, trong đó có đề cập đến công nghệ laser. Sau khi chi hơn 200 tỷ USD mà chỉ thu ít kết quả, dự án đó đã bị gác lại năm 1993.
Nhưng công tác nghiên cứu về lĩnh vực này vẫn tiếp tục được đề cập trong các chương trình khác. Vào cuối thập niên 1990, Israel và Mỹ đã cố gắng sản xuất một hệ thống laser năng lượng cao, với tầm bắn với ít tham vọng hơn, nhằm mục đích phá hủy các tên lửa đang bay. Dự án mang tên Nautilus đã bị hoãn lại vào năm 2005, một phần vì tính cồng kềnh và hiệu suất kém của hệ thống.
Xem video thử nghiệm thành công súng laser Tia Sắt (nguồn: Hindu Times):
Công nghệ đó hiện đã được chuyển từ dạng laser hóa học - đòi hỏi sử dụng hóa chất độc hại cũng như như hệ thống máy móc có kích thước gần như một phòng thí nghiệm tại chỗ - sang laser thể rắnchỉ cần một lượng điện đủ mạnh.
Và trong một bước đột phá công nghệ gần đây, các nhà phát triển Israel cho biết họ có thể kết hợp nhiều chùm tia laser với cường độ rất cao và gặp nhau tại một điểm cụ thể của một mục tiêu trên không.
Bộ Quốc phòng Israel mới đây đã trao hợp đồng trị giá hơn 100 triệu USD cho nhà sản xuất Hệ thống phòng thủ tiên tiến Rafael thuộc sở hữu nhà nước.
Ông Michael Lurie, Phó Chủ tịch Rafael giới thiệu: “Chúng tôi đã nghiên cứu công nghệ laser trong khoảng 20 năm. Chúng rất cồng kềnh và không hiệu quả. Chúng tôi gặp vấn đề về năng lượng, năng lực theo dõi và khả năng đâm xuyên qua bầu khí quyển. Vài năm qua, chúng tôi đã giải quyết được các vấn đề khoa học đó, chỉ còn lại những thách thức về kỹ thuật. Nhưng chúng tôi tin hệ thống đó sẽ hoạt động".
Các quan chức Israel cho biết lợi thế chính của Tia Sắt sẽ là giá thành. Chi phí cho mỗi lần đánh chặn chỉ nhỉnh hơn một chút so với khoản tiền điện cần thiết để vận hành nó. Thủ tướng Naftali Bennett cho hay chi phí cho mỗi lần phóng Tia Sắt khoảng 3,50 USD, quá rẻ so với mỗi lần Vòm Sắt khai hỏa tốn kém cả hàng chục ngàn USD.
Chuẩn tướng Yaniv Rotem khẳng định Tia Sắt sẽ giúp quốc gia này tiết kiệm được phần lớn phí tổn chiến tranh so với đối phương. Họ sẽ “gỡ vốn” đầu tư ngay trong vòng hai tuần xung đột. Ban đầu, Tia Sắt sẽ được triển khai xung quanh Gaza, sau đó dọc theo tất cả các vùng biên giới có xung đột với Israel.
Giáo sư Gabi Siboni, chuyên gia về chiến lược quân sự tại Viện Chiến lược và An ninh Jerusalem, nhận xét: “Israel không bao giờ từ bỏ ý tưởng về công nghệ laser. Nó rẻ hơn, an toàn hơn và ít phụ thuộc hơn vào việc tái vũ trang”.
Nhưng các nhà phát triển thừa nhận rằng vũ khí laser phải được tích hợp với các hệ thống đánh chặn động năng khác do yếu tố thời tiết. Các chùm tia laser không hiệu quả khi trời có sương mù và nhiều mây.
Israel đang nghiên cứu chế tạo một loại laser công suất cao, có khả năng sử dụng từ trên không để có thể đánh chặn các mối đe dọa hoạt động phía trên các đám mây. Nhưng điều đó vẫn cần nhiều năm nữa để phát triển.