Bộ Tư lệnh Các Chiến dịch Đặc biệt của Không quân Mỹ (AFSOC) cho biết: “Thông tin điều tra sơ bộ cho thấy trục trặc về thiết bị có thể đã gây ra sự cố. Nhưng nguyên nhân cơ bản vẫn chưa được xác định ở thời điểm này”.
AFSOC bổ sung: “Việc ngừng hoạt động sẽ cung cấp thời gian và không gian cho một cuộc điều tra kỹ lưỡng nhằm xác định các nguyên nhân và đưa ra khuyến nghị nhằm đảm bảo phi đội CV-22 Osprey của Không quân quay trở lại hoạt động”.
Theo tổ chức phi lợi nhuận Flight Safety Foundation trụ sở tại Mỹ, có khoảng 50 người đã thiệt mạng trong các vụ tai nạn khi vận hành hoặc thử nghiệm Osprey. Hơn 20 trong số đó tử vong sau khi V-22 được đưa vào sử dụng năm 2007.
Vào tháng 8, ba lính thủy quân lục chiến Mỹ đã tử vong trong vụ tai nạn với Osprey ở ngoài khơi bờ biển phía Bắc Australia khi đang vận chuyển binh sĩ trong tập trận thường kỳ. Năm 2022, 4 quân nhân Mỹ thiệt mạng khi một chiếc Osprey bị rơi ở vùng hẻo lánh phía Bắc Na Uy trong một cuộc tập trận của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trong khi Lầu Năm Góc vẫn chưa xác định nguyên nhân chính thức gây ra vụ tai nạn với CV-22 Osprey ở Nhật Bản, một loạt sự cố trước đó đã khiến quân đội Mỹ bày tỏ lo ngại về khó khăn trong việc bảo trì chiếc máy bay phức tạp này.
Được ra mắt lần đầu tiên vào năm 2007, V-22 Osprey là máy bay cánh quạt có khả năng xoay. Đài BBC (Anh) cho biết V-22 Osprey cất cánh và hạ cánh tương tự như một chiếc trực thăng, nhưng có thể quay cánh quạt về phía trước và bay như một phi cơ, tạo điều kiện để nó di chuyển nhanh hơn và xa hơn.
Thủy quân lục chiến, Hải quân và Bộ Tư lệnh Tác chiến đặc biệt của Không quân Mỹ đang vận hành hàng trăm chiếc Osprey. Nhật Bản là quốc gia duy nhất ngoài Mỹ vận hành Osprey.
Osprey đã tham gia nhiều hoạt động quân sự của Mỹ, bao gồm các nhiệm vụ chiến đấu ở Iraq, Afghanistan và Libya. Nhưng máy bay quân sự này cũng liên quan đến một loạt rủi ro, trong đó có một số vụ dẫn đến cái chết của các quân nhân, làm dấy lên lo ngại về an toàn.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno từng nói rằng Tokyo đã chính thức yêu cầu ngừng bay phi đội Osprey của Mỹ đang hoạt động tại nước này.
Năm 2019, Đại tá Dave White, người giám sát chương trình Osprey của Không quân Mỹ, nói rằng ông mất ngủ hàng đêm bởi khả năng sẵn sàng của CV-22 Osprey. Ông nói thêm: “Đó là một nền tảng khó duy trì”.
Bất chấp những vụ tai nạn nghiêm trọng, số liệu thống kê cho thấy việc vận hành Osprey không nguy hiểm hơn những chiếc khác trong quân đội Mỹ. Một phát ngôn viên của Thủy quân lục chiến vào năm 2022 với tờ Marine Corps Times cho biết những chiếc Osprey của lực lượng này có tỷ lệ rủi ro trên 100.000 giờ bay thấp hơn ba chiến đấu cơ Harrier, F/A18 Super Hornet và F-35.
Khi được BBC hỏi về các biện pháp phòng ngừa an toàn sau vụ tai nạn gần đây nhất ở Nhật Bản, Lầu Năm Góc cho biết "tất cả các máy bay V-22 Osprey ở Nhật Bản chỉ hoạt động sau khi được bảo trì và đảm bảo an toàn kỹ lưỡng”.