Điểm chính yếu trong cuộc khủng hoảng hiện nay là nguồn lợi năng lượng, đặc biệt là những phát hiện mới về các mỏ khí đốt giàu tiềm năng ở đông Địa Trung Hải trong một thập kỉ trở lại đây.
Hy Lạp tuyên bố nhiều hòn đảo thuộc chủ quyền cho phép Athens độc quyền thăm dò ở các vùng biển xung quanh - cách tiếp cận nhận được sự ủng hộ rộng rãi của luật pháp quốc tế. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ, do cảm thấy bị thiệt thòi, không chấp nhận điều đó. Ankara phái tàu thăm dò được tàu chiến hộ tống tới khảo sát, tìm kiếm khí đốt ngoài khơi Cyprus.
Rạn nứt trong quan hệ Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ không phải là điêu mới mẻ. Nhưng tình cảnh hiện nay trầm trọng hơn là bởi nhiều nước khác cũng để mắt tới những vỉa khí đốt này. Về nguyên tắc, nguồn lợi này sẽ đẩy các nước xích lại gần nhau để tìm kiếm, chia sẻ tài nguyên ngoài khơi. Thực tế, đa phần các nước ở đông Địa Trung Hải, cụ thể là Hy Lạp, Cyprus, Israel, Ai Cập, Italy, Jordan và ngay cả chính quyền Palestines, đều đã theo đuổi cách tiếp cận này.
Thế nhưng, Thổ Nhĩ Kỳ nhận ra mình bị gạt ra ngoài cuộc chơi, một phần là bởi tuyên bố chủ quyền của Hy Lạp.
Vấn đề còn phức tạp hơn bởi một loạt những liên kết chồng chéo khác. Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng không phải là thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Cyprus là thành viên của EU, nhưng lại không nằm trong NATO. Còn Hy Lạp thì là thành viên của cả hai tổ chức này. Thêm nữa, Cyprus được phân định làm hai vùng lãnh thổ, lãnh thổ phía nam do người Hy Lạp chiếm đa số, còn vùng phía Nam với cộng đồng người gốc Thổ là chủ yếu.
Nỗ lực của Đức hóa giải tình thế khó khăn này sụp đổ khi Hy Lạp tuyên bố đạt thỏa thuận năng lượng với Ai Cập mà theo đó sẽ thực thi chủ quyền ở một vùng biển rộng lớn – động thái được xem là cách Athens đáp trả thỏa thuận tương tự giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA).
Ngay sau đó Ankara nối lại hoạt động thăm dò, còn Hy Lạp điều một tàu hải quân ra giám sát.
Hôm 12/8, tàu chiến Hy Lạp đã phải né tránh cú đâm va với một tàu chiến khác của Thổ Nhĩ Kỳ và căng thẳng cũng nhanh chóng leo thang.
Pháp, nước đã sẵn tức giận trước việc Ankara ủng hộ GNA, lực lượng mà chính quyền tổng thống Emmanuel Macron phản đối, nhanh chóng phái hai máy bay tiêm kích và tàu chiến tới khu vực và hiện đang tiến hành tập trận quân sự với Hy Lạp, Cyprus và Italy để răn đe các bước thăm dò tiếp theo của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tiếp đó, Hy Lạp tuyên bố ý định mở rộng vùng lãnh hải ở bờ biển phía tây lên thành 12 hải lý (hiện là 6 hải lý), như một lời cảnh báo gửi tới Thổ Nhĩ Kỳ về việc Athens có thể sẽ làm điều tương tự ở biển Aegean ở phía tây – một động thái mà Ankara sẽ không chấp nhận.
Điểm trớ trêu nằm ở chỗ thời điểm các nước Địa Trung Hải, châu Âu bị cuốn vào leo thang căng thẳng thật không thể tệ hơn, khi các quốc gia đang phải gấp rút đối phó với nhiều cuộc khủng hoảng khác như kinh tế, đại dịch COVID-19, ngưng đọng chính trị ở Mỹ, biểu tình, đụng độ trên đường phố ở Belarus cùng với việc Nga để ngỏ khả năng can thiệp vào Belarus.
Nếu là kỉ nguyên trước đó, Mỹ hẳn nhiên sẽ can thiệp để can gián hai thành viên NATO, như đã từng làm ở thời điểm năm 1996 khi Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp chút nữa xảy ra chiến tranh. Tổng thống Donald Trump đã gọi điện cho đồng cấp người Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, hối thúc Ankara đối thoại, nhưng không mang lại kết quả.
Nước Mỹ không được coi là người trung gian có sức nặng, nhất là tại thời điểm sắp diễn ra cuộc bầu cử đang đến gần. Nước Anh đã thoái lui khỏi những vấn đề của châu Âu. EU giờ cũng không còn ảnh hưởng trước Thổ Nhĩ Kỳ, bởi chính quyền của ông Erdogan đã từ bỏ mục tiêu trở thành thành viên của EU.
Chỉ còn Đức, nước đang giữ cương vị Chủ tịch EU theo cơ chế luân phiên, đảm nhận vai trò tiên phong đẩy Hy Lạp và Thổ Nhĩ ngồi vào bàn đàm phán, với việc Ngoại trưởng Đức Heiko Maas vừa có các chuyến công du con thoi tới Ankara và Athens.
Đứng ra làm trung gian hòa giải có vai trò quan trọng. Bởi luật pháp quốc tế dù cơ bản ủng hộ Hy Lạp trong tranh chấp lãnh hải, vẫn có chỗ cho đàm phán tìm kiếm giải pháp. Hoạt động thăm dò của Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng tranh chấp vẫn chưa vượt khỏi giới hạn đỏ về pháp lý.
Hôm 28/8, Ngoại trưởng các nước EU đã có cuộc gặp ở Berlin và thống nhất ủng hộ vai trò hòa giải của Đức, gác lại việc thảo luận trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ cho đến kỳ họp thượng đỉnh của EU vào cuối tháng 9 tới.
Chiến tranh không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào và xung đột giữa hai quốc gia là thành viên của NATO là điều khó có thể chấp nhận được. Nhưng căng thẳng ở Địa Trung Hải hiện đã lên ngưỡng mà như ông Maas nhận định là “một đốm cháy dù là nhỏ nhất cũng có thể biến thành thảm họa”.
Đức kêu gọi tất cả các bên dừng ngay các cuộc tập trận quân sự mang tính gây hấn và xúc tiến biện pháp ngoại giao.