Để đạt được mục tiêu đó, Hải quân Mỹ đang thúc đẩy chương trình tên lửa chống hạm thế hệ tiếp theo mang tên HALO. Theo báo cáo của The War Zone, nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, Mỹ sẽ trang bị cho các hạm đội mặt nước và hạm đội ngầm tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh.
Cụ thể, các hợp đồng đã được trao cho nhà thầu quốc phòng Raytheon và Lockheed Martin để cạnh tranh với các thiết kế tên lửa được cho là chạy bằng ramjet (động cơ phản lực dòng thẳng) hoặc scramjet (động cơ phản lực luồng tĩnh siêu âm). Mỹ có thể bay thử nghiệm loại vũ khí này trong năm tài chính 2027, với tên lửa HALO phóng từ trên không sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2029.
Chương trình HALO là một phần của dự án OASuW (Offensive Anti-Surface Weapon) của Hải quân Mỹ. Ở quy mô rộng hơn, chương trình này phục vụ cho các tham vọng công nghệ siêu thanh rộng lớn hơn của Lầu Năm Góc, chẳng hạn những tham vọng liên quan đến Tên lửa hành trình tấn công siêu thanh (HACM) của Không quân.
Lực lượng Không quân Mỹ đã trao cho các công ty con của Raytheon hợp đồng sản xuất HACM – tên lửa hành trình chạy bằng động cơ phản lực tĩnh, có tốc độ lớn hơn Mach 5 – vào năm 2022. Tên lửa phản lực tĩnh này sẽ do Northrop Grumman cung cấp. Không quân Mỹ hy vọng sẽ được trang bị vũ khí này vào năm tài chính 2027.
Trong yêu cầu ngân sách năm tài chính 2025, Hải quân Mỹ mô tả OASuW/HALO là “một hệ thống vũ khí tấn công, thành phần quan trọng trong khả năng Tác chiến Tấn công Chống tàu mặt nước của Lực lượng hỗn hợp, kết hợp các công nghệ mới và mới nổi để hỗ trợ tăng cường khả năng tấn công bằng cách sử dụng nhiều loại vũ khí.
Hiện tại, có rất ít quốc gia – gồm Nga, Trung Quốc, Iran và Ấn Độ - dẫn đầu cuộc chạy đua phát triển tên lửa siêu thanh tiên tiến.
Sputnik dẫn lời các chuyên gia quân sự cho rằng mặc dù các nhà thầu quốc phòng Mỹ đang thực hiện một số dự án siêu thanh, nhưng họ không thể sánh được với tốc độ, sức mạnh và khả năng cơ động của các tên lửa Kinzhal, Zircon hoặc Avangard của Nga.
Nga đã sử dụng tên lửa siêu thanh Zircon trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Được mệnh danh là tên lửa siêu thanh phóng từ mặt đất đầu tiên trên thế giới, Zircon có thể bay ở độ cao khoảng 30 km, đạt tốc độ từ Mach 8 đến 9, gần như không thể bị đánh chặn. Zircon có tầm bắn từ 450 đến 1.000 km và có thể mang đầu đạn nặng từ 300 đến 400 kg, cả đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân. Loại vũ khí này có thể được phóng từ tàu mặt nước hoặc tàu ngầm, với khả năng tàng hình được tăng cường nhờ vỏ plasma chuyên dụng hấp thụ sóng vô tuyến.
Trong khi đó, dù có nguồn ngân sách dồi dào, hàng chục dự án vũ khí siêu thanh của Mỹ vẫn đang bị đình trệ, hủy bỏ và thử nghiệm thất bại. Hải quân Mỹ chủ yếu dựa vào các tên lửa tốc độ cận âm như Tomahawk, Harpoon và Tên lửa tấn công hải quân (NSM).