Phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng, Cố vấn An ninh quốc gia Sullivan nhấn mạnh: "Các cam kết của chúng tôi với các đồng minh và đối tác là bất khả xâm phạm và luôn như vậy".
Quan chức này nêu rõ Tổng thống Biden không có ý định rút lực lượng Mỹ khỏi Hàn Quốc hoặc châu Âu, nơi Washington đã duy trì sự hiện diện của quân đội trong một thời gian rất dài. Sự hiện diện này là nhằm đối phó với những nguy cơ tiềm tàng và bảo vệ đồng minh. Vì vậy, Cố vấn An ninh quốc gia Sullivan khẳng định sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc và châu Âu hoàn toàn khác với Afghanistan.
Từ tháng 5, Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã bắt đầu rút các lực lượng ra khỏi Afghanistan theo một kế hoạch rút quân dự kiến hoàn tất vào cuối tháng này. Việc rút quân này đã dẫn tới sự sụp đổ của Chính phủ Afghanistan được phương Tây hậu thuẫn và lực lượng Taliban đã nhanh chóng trở lại nắm quyền, gây ra tình trạng hỗn loạn tại thủ đô Kabul.
Ngày 16/8, Tổng thống Biden đã lên tiếng bảo vệ việc rút các lực lượng Mỹ ra khỏi Afghanistan, chỉ trích quân đội Afghanistan không sẵn sàng chiến đấu trong khi ban lãnh đạo nước này mất đoàn kết. Theo ông, lợi ích quốc gia của Mỹ ở Afghanistan chủ yếu nhằm ngăn chặn các lực lượng khủng bố ở quốc gia bị chiến tranh tàn phá này tiến hành tấn công Mỹ.
Trước cuộc khủng hoảng tại Afghanistan, ngày 18/8, Chủ tịch đảng Dân chủ (DP) cầm quyền của Hàn Quốc Song Yong-gil kêu gọi Seoul đẩy nhanh việc tiếp quản Quyền Chỉ huy tác chiến thời chiến (OPCON) từ Mỹ.
Trên mạng xã hội Facebook, ông Song Young-gil nhấn mạnh Hàn Quốc cần được chuyển giao OPCON để tăng cường hơn nữa ý chí và khả năng phòng thủ của nước này. Chủ tịch DP, chỉ ra rằng sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc cũng cần thiết cho an ninh Mỹ.
Liên minh Mỹ-Hàn là cần thiết để duy trì sự cân bằng quyền lực và hòa bình ở Đông Bắc Á. Tuy nhiên, khả năng tự phòng thủ cũng quan trọng không kém liên minh và đó là lý do tại sao Hàn Quốc nên xúc tiến việc chuyển giao OPCON.