“Các hệ thống NASAMS đã được triển khai trên khắp Trung Đông. Một số đồng minh NATO và Mỹ đang làm việc với một số quốc gia Trung Đông đang sử dụng NASAMS để tìm cách đưa khẩu đội tên lửa này tới Ukraine”, ông Hayes nói với hãng tin Politico, cho biết thêm rằng việc tái triển khai vũ khí hiện có sẽ nhanh hơn sản xuất vũ khí mới.
Theo ông Hayes, việc sản xuất hệ thống NASAMS sẽ mất tới 24 tháng. Trong khi đó, mục tiêu hiện tại là gửi NASAMS đến Ukraine trong vòng 3 đến 6 tháng tới. Sau đó Mỹ sẽ bù đắp lại số vũ khí này cho Trung Đông trong vòng 2 năm tới.
Giám đốc điều hành của Raytheon giải thích rằng việc sản xuất NASAM mất nhiều thời gian như vậy là do công ty phải mua các linh kiện điện tử và động cơ tên lửa. Politico cho biết Nhà Trắng sẽ phải ký kết việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine từ các nước thứ ba. Nhà sản xuất vũ khí có trụ sở tại Virginia đã phát triển loại vũ khí này với sự hợp tác của Công ty Phòng thủ & Hàng không Kongsberg của Na Uy.
Tuyên bố của Giám đốc Raytheon được đưa ra sau khi Lầu Năm Góc trao cho công ty này hợp đồng trị giá 1,2 tỷ USD mua thêm 6 khẩu đội NASAMS cho Kiev vào hôm 30/11. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Aleksey Reznikov, Kiev đã nhận được 2 hệ thống đầu tiên vào tháng trước.
Lầu Năm Góc chưa bình luận về phát biểu của ông Hayes.
Trong khi đó, Moskva đã cảnh báo rằng việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ chỉ làm trầm trọng thêm cuộc xung đột. Hôm 1/12, Ngoại trưởng Sergey Lavrov đã cáo buộc Mỹ và NATO đang can dự trực tiếp vào cuộc xung đột Ukraine, đồng thời cảnh báo nguy cơ chiến tranh liên quan vũ khí thông thường có thể leo thang thành cuộc xung đột hạt nhân.
“Chúng tôi vô hiệu hoá các cơ sở năng lượng Ukraine cho phép phương Tây bơm vũ khí chết chóc để tấn công người Nga. Vì thế đừng nói rằng Mỹ và NATO không can dự trực tiếp vào cuộc chiến này. Không chỉ thông qua việc cung cấp vũ khí, họ còn huấn luyện binh sĩ Ukraine”, ông Lavrov nói.