Mỹ tích cực hỗ trợ quân sự cho Israel sau vụ tấn công của Hamas

Theo hãng tin AP ngày 13/10, sau các cuộc tấn công của Hamas nhằm vào Israel, Mỹ đã và đang tăng cường đáng kể hỗ trợ quân sự cho nước này.

Chú thích ảnh
Mỹ đã điều tàu sân bay tới gần Israel nhằm thể hiện sự ủng hộ. Ảnh: AP

Chỉ vài giờ sau những cuộc tấn công đầu tiên của lực lượng Hamas, Mỹ bắt đầu huy động tàu chiến và máy bay tới khu vực. Mỹ cũng đang cung cấp cho Israel nhiều loại vũ khí và đạn dược. 

Trong số những vũ khí và đạn dược Mỹ cung cấp cho Israel có hệ thống tên lửa Vòm sắt (Iron Dome), được thiết kế để đánh chặn và tiêu diệt tên lửa và đạn pháo tầm ngắn. Được sản xuất bởi Rafael Advanced Defense Systems và Israel Aerospace Industries, những tên lửa đánh chặn này có tầm bắn lên tới 70 km và có thể bay với tốc độ Mach 2 (khoảng 2.500km/giờ).

Ngoài ra, Mỹ đang cung cấp bom cỡ nhỏ (SDB), bom lượn dẫn đường chính xác do Boeing sản xuất. Bộ dụng cụ hỗ trợ bom đạn tấn công trực tiếp chung (JDAM) cũng đang được gửi đi để chuyển đổi bom không điều khiển thành bom "thông minh" trong mọi thời tiết. Những bộ dụng cụ này cũng do Boeing sản xuất, bao gồm hệ thống dẫn đường quán tính được hỗ trợ GPS.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nêu rõ: “Chúng tôi đang tăng cường hỗ trợ quân sự, bao gồm đạn dược và tên lửa đánh chặn để bổ sung cho Iron Dome. Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng Israel không cạn kiệt những tài sản quan trọng này để bảo vệ các thành phố và công dân của mình”.

Các lực lượng tác chiến đặc biệt Mỹ đang hỗ trợ quân đội Israel lập kế hoạch và cung cấp thông tin tình báo về các nỗ lực giải cứu con tin. Tuy nhiên, những lực lượng đó không được giao nhiệm vụ giải cứu con tin vì sẽ khiến họ phải chiến đấu trên thực địa trong cuộc xung đột. Đó là điều mà chính quyền Mỹ không chấp thuận và người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby cũng nói rằng phía Israel không muốn.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đang có chuyến thăm Israel để thảo luận về việc hỗ trợ thêm. Mỹ cũng đang xúc tiến các đơn đặt hàng vũ khí đã có sẵn của Israel, đứng đầu trong số đó là tên lửa dành cho hệ thống phòng không Iron Dome của Israel.

Trong khi đó, các tàu sân bay như USS Gerald R. Ford cung cấp nhiều lựa chọn, bao gồm máy bay chiến đấu F-18 có khả năng thực hiện các nhiệm vụ không đối không và không đối đất. Tàu sân bay trên cũng có máy bay giám sát E2-Hawkeye, là loại máy bay cảnh báo và kiểm soát sớm trên không (AEW&C) do Northrop Grumman sản xuất. Những chiếc máy bay này có thể đưa ra cảnh báo sớm về các vụ phóng tên lửa, tiến hành giám sát và quản lý không phận.

Nhiệm vụ chính của quân đội Mỹ là tăng cường hiện diện để ngăn chặn Hezbollah, Iran hoặc những bên khác can thiệp vào cuộc xung đột Israel -  Hamas và sẵn sàng phản ứng nếu cần. Không quân Mỹ cũng đang tăng cường các phi đội máy bay như A-10, F-15 và F-16 tại những căn cứ trên khắp Trung Đông và sẽ được bổ sung khi có yêu cầu.

Về phần mình, Chính phủ Anh cũng tuyên bố hỗ trợ Israel, triển khai máy bay tuần tra và giám sát cũng như hai tàu chiến tới phía đông Địa Trung Hải. Theo BBC, động thái này nhằm mục đích theo dõi các mối đe dọa nhằm vào sự ổn định trong khu vực.

Mỹ, vốn đã cung cấp gần 4 tỷ USD viện trợ quân sự mỗi năm cho Israel, đang củng cố cam kết trong việc hỗ trợ đồng minh trong cuộc xung đột hiện nay. Những quyết định tiếp theo của Mỹ được đưa ra trong những ngày tới sẽ có ý nghĩa sâu rộng, không chỉ đối với cuộc xung đột Israel - Hamas mà còn đối với bối cảnh địa chính trị rộng lớn hơn ở Trung Đông.

Công Thuận/Báo Tin tức
Xung đột với Hamas khiến thỏa thuận giữa Israel và Saudi Arabia có nguy cơ tan vỡ
Xung đột với Hamas khiến thỏa thuận giữa Israel và Saudi Arabia có nguy cơ tan vỡ

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hy vọng kết thúc nhiệm kỳ bằng một thỏa thuận hòa bình lịch sử giữa Israel và Saudi Arabia, nhưng điều đó giờ đây dường như khó xảy ra. Xung đột Israel - Hamas cũng sẽ buộc các quốc gia Arab khác xem xét lại các quyết định gần đây về bình thường hóa quan hệ với Israel.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN