Phát biểu với các phóng viên sau Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO tại Brussels (Bỉ), ông Brekelmans thừa nhận hiện có những ý kiến rất khác nhau trong liên minh về vấn đề trên. Theo ông, để đạt được sự đồng thuận cần thiết, các đồng minh trong khối sẽ phải thống nhất các tiêu chí rõ ràng mà Ukraine cần đáp ứng để nhận được lời mời, cũng như những tiêu chí cần thiết khác để sau này trở thành thành viên. Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan nhận định nếu không có sự rõ ràng ngay từ đầu, 32 đồng minh sẽ khó thống nhất ý kiến mời Ukraine gia nhập.
Trước đó, trong tuần, ông Zelensky đã công bố kế hoạch 5 điểm, trong đó có lời kêu gọi NATO ngay lập tức mời Ukraine gia nhập khối.
NATO từng tuyên bố Ukraine sẽ trở thành thành viên của liên minh quân sự này vào "một ngày nào đó" nhưng cũng khẳng định Kiev không thể tham gia khi đang có xung đột với Nga vì điều này có thể dẫn đến xung đột trực tiếp giữa NATO và Nga. Đến nay, các nhà lãnh đạo NATO vẫn né tránh trả lời trực tiếp về đề nghị của Ukraine liên quan đến lời mời gia nhập khối.
Liên quan tới tình hình Ukraine, ngày 18/10, ban Điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thông qua khoản giải ngân 1,1 tỷ USD để hỗ trợ ngân sách cho quốc gia này. Đây là đợt giải ngân khoản vay mới nhất trong chương trình hỗ trợ 4 năm trị giá 15,5 tỷ USD mà IMF đã phê duyệt cho Ukraine hồi tháng 3/2023. Đến nay, đây là lần thứ 5 IMF giải ngân khoản vay theo chương trình trên cho Ukraine, nâng tổng số tiền đã giải ngân lên là 8,7 tỷ USD.
Trong thông báo, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva đánh giá cuộc xung đột tiếp tục gây ra nhiều tổn thất về mặt xã hội và kinh tế cho Ukraine. Dù vậy, IMF cho rằng Ukraine vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính nhờ các chính sách của chính phủ cũng như sự hỗ trợ đáng kể từ bên ngoài. Nền kinh tế vẫn có khả năng phục hồi, bất chấp thiệt hại nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng năng lượng, phản ánh khả năng thích ứng liên tục của các hộ gia đình và doanh nghiệp.
IMF khẳng định Ukraine đã đáp ứng mọi mục tiêu liên quan, trong đó có các chương trình cải cách cơ cấu liên quan đến ưu đãi thuế, doanh nghiệp công và cải cách hải quan. Theo tổ chức này, nền kinh tế Ukraine đã “phục hồi mạnh mẽ hơn dự kiến” trong nửa đầu 2024, với các số liệu tích cực ở trong nước, nhờ sự hỗ trợ đáng kể và liên tục từ bên ngoài. Tuy nhiên, IMF cảnh báo triển vọng từ nay đến cuối năm 2025 đã xấu đi, do cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine hư hại trong các cuộc tấn công và xung đột kéo dài. IMF cũng nhận định triển vọng kinh tế Ukraine vẫn phải đối mặt với “sự bất ổn đặc biệt cao”.