Theo Politico.eu ngày 30/9, NATO cho biết họ đang tăng cường sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình ở miền Bắc Kosovo do căng thẳng leo thang với Serbia, khi Mỹ kêu gọi Serbia rút quân ở biên giới với Kosovo.
Căng thẳng gia tăng sau khi khoảng 30 người Serbia có vũ trang đã xông vào làng Banjska phía Bắc Kosovo vào cuối tuần trước. Một cảnh sát Kosovo và ba đối tượng tấn công đã thiệt mạng trong cuộc đấu súng.
Lãnh đạo Kosovo Albin Kurti đã hoan nghênh quyết định của NATO tăng cường lực lượng tại khu vực Balkan đầy biến động sau vụ việc trên. Ông Kurti nói với hãng tin AP: “Chúng tôi cần NATO vì biên giới với Serbia rất dài và quân đội Serbia gần đây đã tăng cường năng lực của mình. Họ có rất nhiều thiết bị quân sự từ cả Nga và Trung Quốc".
Bình luận của ông Kurti được đưa ra khi lực lượng an ninh Kosovo đột kích một số địa điểm trong khu vực do người Serbia chiếm đa số. Hoạt động này có liên quan đến vụ tấn công ở làng Banjska.
Bạo lực càng làm gia tăng căng thẳng ở khu vực Balkan vào thời điểm các quan chức EU và Mỹ đang thúc đẩy một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Serbia và Kosovo. Kosovo tuyên bố độc lập vào năm 2008 nhưng Serbia và Nga từ chối công nhận.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby xác nhận “việc triển khai quân sự quy mô lớn”, với xe tăng và pháo binh của Serbia đã xuất hiện ở biên giới. Ông Kirby mô tả việc tăng cường sự hiện diện quân sự là "một diễn biến rất bất ổn" và kêu gọi Serbia rút các lực lượng này.
Nhà Trắng cũng “nhấn mạnh sự sẵn sàng của Mỹ trong việc hợp tác với các đồng minh nhằm đảm bảo KFOR [lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO ở Kosovo] vẫn được trang bị nguồn lực phù hợp để hoàn thành sứ mệnh của mình”.
Ông Kirby nói thêm rằng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gọi điện cho Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić để hối thúc “xuống thang ngay lập tức” và quay lại đối thoại.
Anh cũng cho biết họ đang gửi quân tới hỗ trợ lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO trên thực địa.
Đại sứ Mỹ tại Kosovo Jeffrey M. Hovenier trước đó cho biết Washington đã kết luận rằng cuộc tấn công cuối tuần qua nhằm gây bất ổn cho khu vực và cảnh báo về khả năng leo thang căng thẳng hơn nữa.
EU và Mỹ trong nhiều năm đã thúc đẩy việc môi giới nền hòa bình lâu dài giữa Kosovo và Serbia, nhưng một thỏa thuận vẫn khó đạt được trong bối cảnh tiếp tục có sự chia rẽ về tình trạng của miền Bắc Kosovo, nơi phần lớn dân số là người Serbia.