Trong tuyên bố đưa ra ngày 21/5, Bộ Quốc phòng Liên bang Nga cho biết thêm giai đoạn đầu tiên của cuộc tập trận có sự tham gia của tên lửa đạn đạo Iskander và Kinzhal cũng như của lực lượng tên lửa tại Quân khu miền Nam của Nga, nằm tiếp giáp với Ukraine.
Mục đích của cuộc diễn tập này là nhằm đảm bảo rằng các đơn vị và thiết bị sẵn sàng cho "việc sử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược trong chiến đấu để đáp trả và đảm bảo vô điều kiện sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nhà nước Nga trước những tuyên bố khiêu khích và mối đe dọa của các quan chức phương Tây chống lại Nga".
Trước đó vào đầu tháng này, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho quân đội nước này thực hành triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật sau những gì Moskva cho là mối đe dọa từ Pháp, Anh và Mỹ.
Về phần mình, dường như để minh hoạ cho “mối đe doạ từ phương Tây”, Bộ Ngoại giao Nga đã trích dẫn những bình luận của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đã nêu khả năng gửi quân đội châu Âu đến chống lại Nga ở Ukraine, và Ngoại trưởng Anh David Cameron, người nói rằng Ukraine có quyền sử dụng vũ khí do London cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong Nga.
Xem video binh sỹ quân đội Nga triển khai các hệ thống phóng tên lửa. Nguồn: Bộ Quốc phòng Liên bang Nga
Các nhà phân tích an ninh cho rằng cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật nêu trên được ông Putin thiết kế như một tín hiệu cảnh báo nhằm ngăn chặn phương Tây can thiệp sâu hơn vào cuộc chiến ở Ukraine, nơi phương Tây đã cung cấp vũ khí và thông tin tình báo cho Kiev nhưng lại kiềm chế gửi quân.
Trong số ra ngày 7/5, tờ Vedomosti của Nga lưu ý rằng những cuộc tập trận kiểu này hiếm khi xảy ra kể từ khi Liên Xô sụp đổ, nhưng chúng từng được tổ chức hàng năm trong thời Xô Viết. Học thuyết hạt nhân của Nga chỉ cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên khi sự tồn tại của quốc gia gặp nguy hiểm hoặc có nỗ lực nhằm quét sạch lực lượng hạt nhân của Nga.
Ilya Kramnik, nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho rằng thông báo về cuộc tập trận không làm thay đổi học thuyết hạt nhân quốc gia của Moskva. Điều đáng chú ý nhất là cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh "có những tuyên bố khiêu khích nhất định từ quan chức các nước NATO".
Trong khi đó, Dmitry Stefanovich, nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh Quốc tế tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, chỉ ra rằng những gì đang thấy hiện nay là một thông điệp hạt nhân rõ ràng, điều chưa từng xảy ra trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.
Nhà phân tích này lưu ý, điều đó khẳng định một thực tế nổi tiếng: trong trường hợp xảy ra xung đột cường độ cao chống lại một đối thủ vượt trội, Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược.