Bà Zakharova nêu rõ: "Chúng tôi coi đường lối mà lãnh đạo Phần Lan thực hiện nhằm tiếp tục chính sách phi liên kết quân sự là một nhân tố quan trọng đảm bảo an ninh ở Bắc Âu, ở lục địa châu Âu nói chung, nhưng đồng thời chúng tôi cũng nhận thấy những nỗ lực liên tục của NATO và một số quốc gia thành viên của Liên minh, đặc biệt là Mỹ, nhằm lôi kéo Phần Lan, cũng như Thụy Điển, gia nhập NATO".
Người phát ngôn bộ ngoại giao Nga lưu ý: "Các cuộc tập trận của NATO đã được tổ chức trên lãnh thổ ở Phần Lan và Thụy Điển. Những hoạt động này được tiến hành gần biên giới Nga, trong đó có cả hoạt động mô phỏng các cuộc tấn công của lực lượng Mỹ và sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại đối thủ tương đương".
Theo bà Zakharova, cả Phần Lan và Thụy Điển với tư cách là thành viên OSCE, đều khẳng định nguyên tắc an ninh châu Âu là không thể chia tách.
Bà Zakharova nhấn mạnh: "Việc lựa chọn các cách thức để đảm bảo quốc phòng và an ninh là vấn đề nội bộ và chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào. Tất cả các quốc gia thành viên OSCE, trong đó có Phần Lan và Thụy Điển, đã xác nhận các nguyên tắc trên. Tuy nhiên, không được xây dựng an ninh của quốc gia này với cái giá phải trả là an ninh của các quốc gia khác".
Theo AFP cùng ngày, dù cuộc tranh luận về tư cách thành viên NATO nóng trở lại do căng thẳng Ukraine, nhưng các nhà lãnh đạo Thụy Điển và Phần Lan cho biết họ vẫn đứng ngoài NATO.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson nói: "Thụy Điển đã không có liên minh trong một thời gian dài. Điều này phục vụ tốt cho lợi ích của Thụy Điển".
Trước đó, tại quốc gia láng giềng Phần Lan, chính phủ nước này cũng bác bỏ các động thái xúc tiến để hướng tới trở thành thành viên NATO. "Chúng tôi đã xây dựng chính sách an ninh để đối phó khủng hoảng. Chúng tôi sẽ sử dụng các phương tiện theo ý mình, trong đó có hợp tác với các đối tác NATO", Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto thông báo.