Việc điều động này được thực hiện vài ngày trước đó và đây là lần đầu tiên Nga đưa tổ hợp vũ khí tối tân này ra nước ngoài. Iskander-M (NATO định danh là SS-26) được mệnh danh là “kẻ hủy diệt”, có tầm bắn 500km, với độ chính xác cực cao và có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân. Đây là thứ vũ khí mà phương Tây đặc biệt “e ngại”. Tại thời điểm khủng hoảng Ukraine leo thang hồi năm 2015, Moskva đã đưa Iskander tới lòng chảo Kalingrad ở vùng Baltic, đẩy quan hệ Nga – phương Tây lên đỉnh điểm căng thẳng.
Tổ hợp tên lửa Iskander-M tại căn cứ Hmeimim. Ảnh: Debka |
Sự hiện diện của Iskander-M được xem là nhân tố làm “thay đổi cuộc chơi” về cán cân sức mạnh ở Trung Đông. Đóng cứ tại căn cứ không quân Hmeimim ở phía tây Syria, Iskander-M bao quát toàn bộ Israel, tới thị trận Beersheba điểm cực nam của Thổ Nhĩ Kỳ, ngoại ô Ankara và cả miền đông, miền trung Địa Trung Hải, bao trọn Cộng hòa Cyprus.
Theo Debka, với việc điều tên Iskander tới Syria, quyết định “rút lực lượng chủ chốt” của Nga khỏi quốc gia Trung Đông này chỉ là một phần trong bức tranh tổng thể: Máy bay chiến đấu, máy bay ném bom vừa rút về ngay lập tức được “bù” lại bằng các hệ thống tên lửa tối tân có trong kho vũ khí của Nga. Hôm 15/3, tức chỉ một ngày sau khi Tổng thống Vladimir Putin ra quyết định rút nhân viên, khí tài, Moskva khẳng định hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga sẽ vẫn ở lại Syria. 10 ngày sau đó, hôm 25/3, các tổ hợp Iskander-M lại đã có mặt tại căn cứ không quân Hmeimim. Dẫn các nguồn tin quân sự, Debka cho rằng sự kết hợp giữa S-400 và Iskander-M đã biến Hmeimim trở thành nơi “tập kết” những tên lửa hiện đại nhất ở Trung Đông.
Tầm khống chế của "kẻ hủy diệt" Iskander từ Hmeimim. Ảnh: Debka |
Iskander-M được xem là tên lửa đạn đạo tầm ngắn tốt nhất thế giới. Tổ hợp đặt trên xe di động mang hai tên lửa. Kíp chiến đấu chỉ mất vài phút chuẩn bị để phóng, có thể phóng riêng rẽ từng quả. Khi tên lửa đang trong hành trình bay, nhân viên vận hành có thể điều chỉnh lại quỹ đạo bay, tùy thuộc diễn biến thực tế, để tiêu diệt các mục tiêu di động của đối phương như bệ phóng tên lửa, các đoàn xe tăng, xe hậu cần. Một tính năng độc đáo khác nữa của Iskander-M là khả năng kiểm soát đầu đạn của nó bằng tín hiệu radio được mã hóa, “làm mù” khả năng theo dõi của tất cả các loại máy bay không người lái (UAV) và máy bay cảnh báo sớm (AWAC). Nhờ đó, tên lửa có thể bắt chết, tiêu diệt mục tiêu mà không thể bị bắn hạ.
Iskander-M triệt hạ được các loại mục tiêu lớn nhỏ khác nhau và “né tránh” được các loại tên lửa phòng không của đối phương. Tổ hợp này có thể nhận chỉ thị về mục tiêu thông qua mạng vệ tinh, máy bay do thám, thông tin tình báo hoặc thậm chí chỉ là từ ảnh chụp địa điểm của lính trinh sát trên chiến trường được scan và sau đó chuyển qua mạng máy tính. Không những vậy, vũ khí tối tân này của Nga còn được lắp đặt hệ thống định vị độc lập, không bị ảnh hưởng bởi các điều kiện thời tiết không thuận như sương mù, bóng tối… như các loại tên lửa đạn đạo khác. Khả năng di chuyển nhanh cũng khiến đối phương rất khó “đánh đòn trước” nhằm vào Iskander-M.