Trong các cuộc chiến tranh ở thế kỉ 21, một chiến dịch tác chiến đặc biệt nếu thành công thường bắt đầu với thông tin tình báo chính xác do vệ tinh, máy bay do thám, máy bay không người lái thu thập. Tiếp đến là đòn bắn ném có độ chính xác cao bằng tên lửa hành trình hay bom thông minh từ trên không. Nó sẽ kết thúc với việc các lực lượng mặt đất làm sạch chiến trường để cho bộ binh, xe tăng tiến vào.
Trực thăng tấn công đa nhiệm Mi-35M. Ảnh: Sputnik |
Giữa lúc cuộc chiến ở Syria bước vào giai đoạn quyết liệt, Bộ Chỉ huy tối cao tại Moskva quyết định tung trực thăng vũ trang mới nhất, hiện đại nhất vào tham chiến, đó là “siêu xe tăng bay” Mi-35M (NATO định danh là Hind-E). Đó là bước đi nhằm tăng cường tính cơ động trên chiến trường (nhất là trong các chiến dịch đặc biệt), tạo ưu thế hỏa lực áp đảo trên không, thực hiện các nhiệm vụ khẩn cấp khác. Đây là lần đầu tiên Mi-35 tham gia tác chiến trên thực địa và cũng là lần đầu tiên thế giới bên ngoài được chứng kiến hoạt động của “vua” trực thăng tấn công.
Mi-35M là dòng máy bay trực thăng tấn công đa nhiệm mới nhất của quân đội Nga do tập đoàn Rostvertol chế tạo. Nó được nâng cấp và hiện đại hóa từ phiên bản trực thăng tấn công Mi-24 về khả năng cơ động, trạng bị vũ khí, đạn, khả năng chở quân, hệ thống điện tử và thu thập thông tin tình báo.
Được thiết kế để trở thành trực thăng tấn công sát thủ, Mi-35 được trang bị dàn vũ khí cực mạnh, với 2 súng máy xoay trục bắn đạn đầu nổ 23mm và đạn chống tăng được phân bố đều hai bên sườn. Phía trước mũi máy bay là một súng máy Yakb cỡ nòng 12,7mm, tốc độ bắn 4.000-5.000 viên/phút, tốc độ đầu đạn đạt 860m/s. Khi tác chiến, Mi-35M còn mang theo 16 tên lửa chống tăng, treo sẵn từ các các ống phóng đặt dưới hai cánh phụ hai bên, tiêu diệt các mục tiêu xe tăng, xe bọc thép của đối phương. Tên lửa này có thể phá thủng lớp giáp dày 650mm của xe tăng ở khoảng cách 5 km. Ngoài ra, “xe tăng bay” Mi-35M được trang bị hệ thống buồng lái kính chống đạn hiện đại cùng các hệ thống quan sát, trinh sát, chỉ thị mục tiêu quang-hồng ngoại tối tân, bảo đảm tác chiến chính xác cả đêm lẫn ngày, trong mọi điều kiện thời tiết.
Phiên bản trực thăng tấn công đa nhiệm này đặc biệt phù hợp với chiến dịch quân sự hiện nay của Nga tại Syria. Ví như, Mi-35M có thể chở một đội đặc nhiệm 8 người, trang bị đủ vũ khí, thực hiện các nhiệm vụ sơ cứu, tìm kiếm phi công hay tiến hành các chuyến bay do thám, thu thập thông tin tình báo từ các tín hiệu điện từ trên mặt đất.
Giới chuyên gia quân sự phương Tây nhìn nhận việc Nga điều Mi-35M tới tham chiến ở Syria nhằm các mục đích sau. Một là, quảng bá dòng máy bay tấn công đa nhiệm này trên thị trường vũ khí thế giới, trong bối cảnh Mi-35M còn là sản phẩm mới tinh, chưa có điều kiện khẳng định danh tiếng, hiện mới chỉ có một số ít quốc gia như Brazil, Venezuela, Iraq và Azerbaijan đã đặt mua hoặc có ý định đặt mua.
Phô diễn sức mạnh quân sự, khiến Mỹ và NATO không thể xem thường Nga cũng là một yếu tối mà Moskva hướng tới; nhất là sau khi Nga đã trình làng rất nhiều vũ khí mới, hiện đại ở chiến trường Syria – từ tên lửa hành trình, máy bay chiến đấu, tên lửa phòng không.
Kiểm nghiệm tác chiến thực tế là mục đích thứ tiếp theo, do loại trực thăng mới này chưa từng chiến đấu trong các điều kiện chiến trường ở Trung Đông. Những thông số có được về tính cơ động, khả năng tác chiến đêm, chống nhiễu điện tử… sẽ giúp nhà sản xuất biến Mi-35M thành cỗ máy ngày một hoàn thiện hơn, uy lực hơn.
Cuối cùng, sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ Su-24 của Nga hôm 24/11 vừa qua, sự hiện diện của Mi-35M ở Syria sẽ giúp Nga thực hiện hiệu quả các chiến dịch tìm kiếm, cứu nạn phi công cùng với các nhiệm vụ sơ cứu, hỗ trợ khác.