Nga hiện đại hóa các tàu chiến chủ lực thế nào?

Tàu tuần dương hạt nhân Đô đốc Nakhimov của Nga sẽ được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa S-400 và hệ thống chống tên lửa Poliment-Redut tầm trung, cũng như tên lửa hành trình Caliber. Đây là một phần trong kế hoạch hiện đại hóa hạm đội Hải quân của Nga đang diễn ra.

Theo Vladimir Spiridopoulo, Tổng Giám đốc Văn phòng Thiết kế Sevrnoye và là nhà phát triển dự án tàu tuần dương trên, sau khi hoàn tất quá trình hiện đại hóa, tàu Đô đốc Nakhimov sẽ có sức mạnh lớn hơn cả tàu tuần dương tên lửa hạt nhân hạng nặng Peter Đại đế hiện đang được biên chế cho Hạm đội Biển Bắc.

Bên cạnh việc hiện đại hóa tàu Đô đốc Nakhimov, có khả năng một chiếc tàu khác thuộc dự án trên, tàu Đô đốc Lazarev, cũng được nâng cấp. Đây là chiếc tàu chiến thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga, nhưng gần đây đã được đưa về neo đậu tại một cảng đóng tàu.

“Thậm chí trước khi quá trình hiện đại hóa diễn ra, Hải quân Nga đã thảo luận về  việc liệu các loại vũ khí nào sẽ được trang bị cho tàu Nakhimov. Theo tuyên bố của Bộ Tư lệnh Hải quân Nga, tàu này có thể được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa mới S-500”, chuyên gia quân sự độc lập và Tổng biên tập của trang mạng Dự án Militaryrussia Dritry Kornev nói.

Tàu Đô đốc Nakhimov trên Biển Barents.


Ông Kornev cho rằng các nhà chế tạo tàu chiến trên vẫn duy trì hệ thống vũ khí ban đầu của những tàu chiến trên và nâng cấp chúng với những trang bị mới. “Tên lửa S-400 sẽ thay thế tên lửa S-300F, vốn được trạng bị trên các tàu này trước đó; Poliment-Redut sẽ thay thế hệ thống chống tên lửa Osa-M và tên lửa hành trình Caliber sẽ thay thế tên lửa hành trình chống tàu siêu thanh P-700”, ông Kornev cho biết và lưu ý thêm rằng sự bổ sung mới này chắc chắn sẽ biến những chiếc tàu chiến chủ lực trên trở thành những vũ khí có hỏa lực mạnh nhất của Hải quan Nga.

Với tên lửa P-700, tàu Nakhimov chỉ có khả năng tấn công các mục tiêu trên biển, nhưng sau khi được tích hợp tên lửa Caliber, tàu chiến này có thể tấn công cả các mục tiêu trên bộ, do đó tăng đáng kể sức chiến đấu của nó. Tên lửa hành trình Caliber, được phát triển bởi Văn phòng Thiết kế Novator (chi nhánh của Tập đoàn Almaz Antey), hiện cũng đang được trang bị cho các tàu ngầm mới lớp Yasen và các tàu tên lửa cỡ nhỏ Buyan-M của Nga.

Theo dữ liệu chính thức, tên lửa hành trình này có khả năng tấn công các mục tiêu ở cự ly 300km. Trong khi đó, các phương tiện truyền thông Nga mới đây còn loan báo rằng, Caliber có thể tấn công các mục tiêu ở cự ly ít nhất là 1.000km và đây cũng có thể là một loại tên lửa siêu thanh. 

“Dưới thời Hải quân Liên Xô, các tàu lớp Orlan (lớp của tàu Nakhimov) là những tàu chiến hàng đầu được gọi là ‘Nhóm tàu chiến chiếm ưu thế trên mặt nước’. Trong thời bình, chúng có nhiệm vụ khắc chế các hạm đội của NATO, đặc biệt là giám sát các tàu chiến của Mỹ”, Dmitry Boltenkov, một chuyên gia quân sự độc lập và là nhà lịch sử quân sự chia sẻ.

Theo ông Boltenkov, nếu được tích hợp các loại vũ khí mới trên trong quá trình hiện đại hóa, thì nhiệm vụ của những tàu chiến như Nakhimov không thay đổi nhiều. Nhưng với việc bổ sung các hệ thống thông tin liên lạc và hệ thống kiểm soát tự động mới thì chúng dễ dàng trở thành những tàu chiến trụ cột của hạm đội. Do đó, bên cạnh việc tiêu diệt các tàu chiến của đối phương bằng tên lửa Caliber, Nakhimov còn đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với những cơ sở hạ tầng trên bộ cũng như các mục tiêu chiến lược khác của đối phương.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu các nhà chế tạo tàu chiến Nga sẽ làm gì với hệ thống cảm biến phức hợp Polin vốn được tích hợp trên tất cả các tàu chiến lớp Orlan? Có thể là Polin sẽ được hiện đại hóa hoàn toàn hoặc sẽ bị thay thế bằng một hệ thống cảm biến mới. Từ năm 1980 tới năm 1998, tổng cộng có 4 chiếc tàu tuần dương tên lửa hạng  nặng lớp Orlan được bổ sung cho Hải quân Liên Xô và sau đó là Hải quân Nga. Chiếc đầu tiên trong số này là Kirov năm 1980 và chiếc gần đây nhất là tàu Peter Đại đế, được biên chế vào hạm đội vào mùa xuân năm 1998.


Công Thuận (R.I.R)

Tàu Mistral: Mối căng thẳng Nga-Pháp
Tàu Mistral: Mối căng thẳng Nga-Pháp

Tàu Mistral đổ bộ chở trực thăng là đang vấn đề gây căng thẳng giữa Nga và Pháp khi hai bên bất đồng ý kiến trong việc chuyển giao tàu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN