Theo Thời báo châu Á (Asiatimes.com) ngày 16/2, Nga năm 2021 được cho là đã triển khai hệ thống tên lửa chống vệ tinh (ASAT) S-550, có thể tấn công tàu vũ trụ, tên lửa đạn đạo và siêu thanh ở độ cao hàng chục nghìn km.
S-550 được cho là một hệ thống phòng thủ chiến lược di động chống lại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), với vai trò "tấn công và phòng thủ không gian", đề cập đến các nhiệm vụ bắn hạ các mục tiêu khó bị tiêu diệt như vệ tinh của đối phương.
S-550 có thể là sự tiếp nối của chương trình vũ khí giai đoạn cuối thời Liên Xô dành cho “hệ thống phòng không giai đoạn cuối cơ động cao” được phát triển từ năm 1981 đến năm 1988. Sau đó nó bị loại bỏ như một phần của các thỏa thuận kiểm soát vũ khí giữa Liên Xô và Mỹ.
Nếu tuyên bố của Nga được chứng minh là đúng, hệ thống di động ASAT S-550 sẽ tăng tính linh hoạt trong hoạt động và khả năng sống sót cao hơn so với các hệ thống cố định và trên không gian hiện nay.
Hệ thống ASAT di động như S-550 được triển khai trên vùng lãnh thổ rộng lớn của Nga sẽ khiến cho việc xác định vị trí phóng khó khăn hơn, tăng thời gian phản ứng trước các cuộc tấn công và hạn chế khả năng đáp trả của đối phương, vì hệ thống phóng có thể được di chuyển ngay lập tức đến các địa điểm mới.
Điều này trái ngược với các hệ thống cố định vốn dễ dàng xác định vị trí phóng, có thể khiến chúng dễ bị tấn công và đối với các hệ thống đặt trên không gian nếu bị hỏng hoặc bị phá hủy thì khó thay thế hoặc bổ sung.
Do đó, S-550 sẽ giúp bổ sung sức mạnh cho dàn vũ khí ASAT đã có sẵn của Nga, mà họ coi là một biện pháp đáp trả bất đối xứng cần thiết đối với các khả năng quân sự trong không gian của Mỹ.
Năm ngoái, Nga đã thử nghiệm tên lửa Nudol PL-19 ASAT, bắn hạ vệ tinh Kosmos 1408 không hoạt động và bay trên quỹ đạo từ năm 1982. Không giống như S-550, Nudol là một hệ thống tĩnh, cần bệ phóng cố định.
Nga cũng đã phát triển các hệ thống ASAT bay trong quỹ đạo, là những vệ tinh có thể tấn công các vệ tinh khác. Trong những năm 1960, Nga đã phát triển hệ thống ASAT Istrebitel Sputnikov (IS). Sau khi được phóng lên quỹ đạo, tên lửa đánh chặn sẽ tách khỏi tên lửa đẩy, tiến đến gần mục tiêu và phát nổ để giải phóng mảnh vỡ với tầm hiệu quả 50 mét.
Một hệ thống khác, Naryad-V, đã được thử nghiệm vào những năm 1990. Giống như phiên bản tiền nhiệm Nudol, Naryad-V là một hệ thống tĩnh sử dụng phương tiện phóng nhiên liệu rắn và tầng trên sử dụng nhiên liệu lỏng, cho phép nó tấn công mục tiêu trên một quỹ đạo rất rộng với tốc độ phóng nhanh.
Ngoài các hệ thống phần cứng này, Nga cũng trang bị một số hệ thống ASAT tác chiến điện tử (EW). Chúng bao gồm các hệ thống gây nhiễu vệ tinh trên mặt đất Tirada-2 và Bylina-MM.
Tirada-2 được biết đến lần đầu tiên vào năm 2001 và được cho là có khả năng chế áp điện tử vệ tinh của đối phương. Trong khi đó, hệ thống Bylina-MM được thiết kế để khắc chế các mục tiêu là những vệ tinh hoạt động trong “dải tần milimet”, tương ứng với tần số cực cao (EHF), dải trong phổ điện từ từ 30 đến 300 gigahertz.
Nga cũng duy trì khả năng triển khai các thiết bị gây nhiễu ASAT trong không gian. Tuy nhiên, chi tiết của chương trình này vẫn chưa được tiết lộ. Mặc dù vậy, các vệ tinh có tích hợp EW sẽ có khả năng gây nhiễu các hệ thống điều khiển, tình báo, thông tin liên lạc và dẫn đường của vệ tinh đối phương.
Những phát triển này chỉ ra sự thay đổi trong tư duy chiến lược của Nga, coi không gian như một trọng tâm mới cho các hoạt động quân sự hiện nay. Sự thay đổi này được thể hiện qua sự hợp nhất của Lực lượng Không quân và Phòng không Vũ trụ thành Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga vào năm 2015.
Những bài học mà Nga rút ra trong cuộc ném bom của NATO vào Nam Tư năm 1999, trong đó các cuộc tấn công từ trên không và từ không gian là giai đoạn đầu tiên của sự can thiệp của NATO, có thể đã thúc đẩy Nga hợp nhất các lực lượng trên.
Điều này cũng phản ánh hoạt động của các quân đội hiện đại lớn như Mỹ và Trung Quốc nhằm hợp nhất các lĩnh vực này như một phần của chiến trường không gian tích hợp.