Nguyên nhân Nga phản ứng mạnh về việc Mỹ cung cấp đạn uranium nghèo cho Ukraine

Đạn uranium nghèo mang lại những lợi thế khác biệt so với đạn tiêu chuẩn, đặc biệt là trong bối cảnh chiến tranh bọc thép.

Chú thích ảnh
Loại đạn uranium nghèo được thiết kế để bắn từ xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams của Mỹ, cũng là một phần của gói viện trợ. Việc chuyển giao những chiếc xe tăng này cho Ukraine dự kiến sẽ diễn ra trong vài tuần tới. Ảnh: CNN

Mỹ mới đây đã quyết định gửi vũ khí uranium nghèo gây tranh cãi tới Ukraine lần đầu tiên, như một phần của gói viện trợ mới trị giá hơn 1 tỷ USD. 

Đạn 120mm chứa uranium nghèo có thể được bắn từ xe tăng Abrams M1 do Mỹ sản xuất và sẽ đến tiền tuyến của Ukraine vào mùa thu này. Tuy nhiên, loại đạn này có tính phóng xạ nhẹ, làm dấy lên nghi vấn về độ an toàn cũng như rủi ro mà chúng có thể gây ra cho dân thường, đồng thời gây ra sự chỉ trích gay gắt từ Nga.

Cụ thể, Nga đã phản ứng giận dữ trước thông tin Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine đạn xe tăng uranium nghèo khi Đại sứ quán Nga tại Mỹ cho biết trên Telegram rằng quyết định của Washington là một dấu hiệu rõ ràng về việc không quan tâm đến sự nguy hiểm của chúng: "Mỹ đang cố tình chuyển giao vũ khí có tác dụng phụ bừa bãi. Họ hoàn toàn nhận thức được hậu quả: vụ nổ của những loại đạn như vậy dẫn đến hình thành đám mây phóng xạ di động".

Trong nỗ lực nhấn mạnh quan điểm trên, vào chiều 7/9, người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitry Peskov, nói: "Đây là một tin rất xấu. Việc sử dụng những loại đạn như vậy có thể khiến số lượng bệnh nhân ung thư tăng vọt. Tình trạng tương tự chắc chắn sẽ xảy ra ở những vùng lãnh thổ Ukraine nơi chúng sẽ được sử dụng".

Về phần mình, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết trong cuộc họp báo cùng ngày: “Đây không chỉ là một bước leo thang, nó phản ánh sự coi thường đối với hậu quả môi trường của việc sử dụng loại đạn này trong vùng chiến sự”. 

Tác dụng của đạn uranium nghèo trong quân sự

Uranium nghèo là sản phẩm phụ của quá trình làm giàu uranium tự nhiên để sản xuất nhiên liệu hạt nhân. Nó hấp dẫn về mặt quân sự vì có rất nhiều tính năng. Đạn uranium nghèo nổi tiếng với khả năng xuyên giáp vượt trội, khiến nó đặc biệt hiệu quả trước các phương tiện bọc thép hạng nặng. Các chuyên gia cho rằng loại đạn này sẽ tăng cường đáng kể khả năng của Ukraine trong việc chống lại xe tăng và xe bọc thép của các lực lượng Nga.

Uranium nghèo đặc hơn đáng kể so với các vật liệu như chì hoặc thép, thường được sử dụng trong các loại đạn dược khác. Mật độ cao này cho phép đạn uranium nghèo duy trì hình dạng và quỹ đạo tốt hơn khi bắn, dẫn đến tăng độ chính xác. Mặt khác, mật độ cao của nó giúp đạn có khả năng dễ dàng xuyên qua lớp giáp và tự bốc cháy.

Như vậy, khả năng xuyên giáp vượt trội của đạn uranium nghèo có nghĩa là nó có thể xuyên thủng các xe bọc thép hiện đại một cách hiệu quả hơn hầu hết các loại đạn khác. Một ưu điểm khác là hiệu quả chi phí của nó. Uranium nghèo là sản phẩm phụ của quá trình làm giàu uranium cho các lò phản ứng hạt nhân, khiến cho việc sản xuất uranium nghèo tương đối tiết kiệm chi phí so với các loại đạn xuyên giáp tiên tiến khác.

Tuy nhiên, việc sử dụng đạn uranium nghèo có thể gây ô nhiễm môi trường, gây nguy hiểm cho cả thiên nhiên và con người. Đã có những lo ngại về ảnh hưởng sức khỏe của việc tiếp xúc với đạn uranium nghèo đối với binh lính và dân thường, bao gồm cả nguy cơ tiềm ẩn mắc bệnh ung thư và các bệnh khác. 

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) - cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc - đã nói rằng uranium nghèo “ít có tính phóng xạ hơn đáng kể so với uranium tự nhiên”, nhưng kêu gọi thận trọng khi sử dụng. 

Phó thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh nói với CNN hôm 6/9 rằng Mỹ tin tưởng các lực lượng Ukraine sẽ sử dụng vũ khí trên một cách "có trách nhiệm". Trước đó, chính quyền Mỹ cũng đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội tương tự vào đầu năm nay khi họ cung cấp bom chùm cho Ukraine. 

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo kyivpost.com/CNN)
Mỹ công bố gói viện trợ mới hơn 1 tỷ USD cho Ukraine
Mỹ công bố gói viện trợ mới hơn 1 tỷ USD cho Ukraine

Ngày 6/9, trong chuyến thăm Kiev, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã công bố gói viện trợ mới cho Ukraine với tổng giá trị hơn 1 tỷ USD.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN