Theo đài Sputnik (Nga), cho đến nay, Washington vẫn chưa lên tiếng về việc cung cấp cho Kiev chiến đấu cơ F-16, hoặc cho phép các quốc gia khác xuất khẩu loại tiêm kích do nước này sản xuất sang Ukraine.
Tuy nhiên, Lockheed Martin, nhà thầu quốc phòng lớn nhất của Mỹ, đã phát tín hiệu sẵn sàng tăng cường sản xuất máy bay chiến đấu F-16 khi một số đồng minh của Ukraine đang cân nhắc chuyển giao loại máy bay phản lực một động cơ, lần đầu tiên ra mắt vào năm 1978, cho Kiev.
Hôm 26/1, ông Frank St. John, Giám đốc điều hành của Công ty Hàng không vũ trụ Lockheed Martin nói với một tờ báo của Anh rằng đã có “rất nhiều cuộc thảo luận về việc chuyển giao F-16 cho bên thứ ba”. Tờ báo này cũng nhấn mạnh Lockheed Martin không trực tiếp tham gia vào các cuộc đàm phán liên quan đến việc cung cấp máy bay chiến đấu phản lực thế hệ thứ tư F-16 cho Ukraine.
“Lockheed Martin sẽ tăng cường sản xuất F-16 ở Greenville, Nam Carolina, nhằm mục tiêu lấp đầy kho vũ khí cho bất kỳ quốc gia nào muốn trở thành bên thứ 3 chuyển giao vũ khí cho Ukraine, giúp giải quyết xung đột hiện tại”, ông St. John nói thêm.
Trích dẫn quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên, nguồn tin tiết lộ rằng cùng với các đồng minh và đối tác quốc tế của Washington, Mỹ thường xuyên liên lạc với Ukraine về nhu cầu và yêu cầu của họ. Tuy nhiên, quan chức này nhấn mạnh: “Tại thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa có gì để thông báo về F-16”.
Những thông tin trên được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine cảm ơn Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz vì đã đồng ý gửi xe tăng hạng nặng cho Kiev. Tuy nhiên, ông nói rằng Ukraine cần nhiều vũ khí hơn nữa, gồm cả tên lửa tầm xa và máy bay.
“Các nước phải cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine. Điều này rất quan trọng. Chúng ta phải mở rộng hợp tác về pháo”, ông Zelensky nói và cho biết thêm rằng Kiev cũng cần thêm máy bay.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Hà Lan Wopke Hoekstra tuần trước nói rõ rằng Amsterdam đang cân nhắc cung cấp F-16 cho Kiev. Lực lượng không quân Hà Lan hiện sở hữu một phi đội gồm 40 chiếc F-16 do Mỹ sản xuất. Bảy quốc gia NATO khác ở châu Âu cũng đang sử dụng loại máy bay chiến đấu tương tự, trong đó có Ba Lan và Na Uy. Đức - quốc gia không sử dụng F-16 - đã loại trừ khả năng gửi máy bay chiến đấu này tới Ukraine.
Thủ tướng Olaf Scholz nói với các phóng viên: “Tôi đã nói rõ từ rất sớm rằng chúng tôi sẽ không gửi máy bay chiến đấu cho Ukraine và tôi muốn nhắc lại điều này ở đây”.
Trước đó, ngày 25/1, ông Scholz đã “bật đèn xanh” cho việc chuyển giao 14 chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 của Đức cho Ukraine. Sau đó, Tổng thống Mỹ Biden thông báo sẽ cung cấp 31 xe tăng M1 Abrams cho Kiev.
Bình luận về động thái của Berlin, Đại sứ quán Nga tại Đức cảnh báo trong một tuyên bố rằng “quyết định vô cùng nguy hiểm này sẽ đẩy cuộc xung đột ở Ukraine sang một cấp độ đối đầu mới”.
Về phần mình, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo việc các nước phương Tây cung cấp vũ khí cho Kiev chứng tỏ họ đã can dự trực tiếp và ngày càng tăng vào cuộc xung đột Ukraine.
“Có những tuyên bố liên tục từ nước châu Âu và Mỹ rằng việc chuyển giao các hệ thống vũ khí khác nhau đến Ukraine, bao gồm cả xe tăng, hoàn toàn không có nghĩa là các quốc gia và liên minh đó tham gia vào các hành động thù địch đang diễn ra ở Ukraine. Chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với điều này”, ông Peskov tuyên bố.
Moskva đã nhiều lần cảnh báo việc Mỹ và các đồng minh viện trợ quân sự cho Kiev sẽ khiến cuộc xung đột Ukraine kéo dài. Bộ Ngoại giao Nga cho rằng các nước NATO đang “đùa với lửa” bằng cách cung cấp vũ khí cho Kiev và bất kỳ đoàn xe vũ khí nào tới Ukraine sẽ trở thành mục tiêu tấn công hợp pháp của các lực lượng Nga.