Theo hãng tin AP, cuộc tấn công của Iran nhằm vào Israel rạng sáng 14/4 với hàng trăm máy bay không người lái (UAV) và nhiều tên lửa đạn đạo là thử thách mới, lớn nhất đối với hệ thống phòng không của Tel Aviv, vốn đã hoạt động liên tục để đối phó với các cuộc tấn công bằng tên lửa, UAV và đạn pháo trong suốt cuộc chiến kéo dài hơn 6 tháng với Hamas cùng các nhóm vũ trang khác trong khu vực.
Nhưng với sự hỗ trợ của các đồng minh như Mỹ và Anh, hệ thống phòng thủ nhiều lớp của Israel đã ngăn chặn được thiệt hại hoặc thương vong nghiêm trọng trong cuộc tấn công mới trên. Dưới đây là những hệ thống quan trọng nhất trong mạng lưới phòng không nhiều lớp của Israel:
Hệ thống Mũi tên (Arrow): Hệ thống này được phát triển với Mỹ, thiết kế để đánh chặn tên lửa tầm xa, bao gồm cả các loại tên lửa đạn đạo mà Iran cho biết họ đã phóng trong chiến dịch trả đũa mới nhất. Mũi tên đã được sử dụng trong cuộc chiến hiện nay để đánh chặn tên lửa tầm xa do lực lượng Houthi phóng từ Yemen.
Hệ thống David's Sling: Cũng được phát triển cùng với Mỹ, hệ thống này nhằm mục đích đánh chặn các tên lửa tầm trung, chẳng hạn như những tên lửa do Hezbollah sở hữu ở Liban.
Patriot: Hệ thống do Mỹ sản xuất này là thành phần lâu đời nhất trong tuyến phòng thủ tên lửa của Israel - được sử dụng trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991 để đánh chặn tên lửa Scud của Iraq. Patriot hiện được sử dụng để bắn hạ máy bay, bao gồm cả máy bay không người lái.
Iron Dome (Vòm Sắt): Hệ thống này do Israel phát triển với sự hỗ trợ của Mỹ, chuyên bắn hạ tên lửa tầm ngắn. Nó đã đánh chặn hàng nghìn quả tên lửa kể từ khi được kích hoạt vào đầu thập kỷ trước - bao gồm hàng nghìn lần đánh chặn trong cuộc chiến hiện nay chống Hamas và Hezbollah. Israel cho biết hệ thống này có tỷ lệ đánh chặn thành công trên 90%.
Ngoài ra, Israel đang phát triển một hệ thống mới có tên là Iron Beam để ngăn chặn các mối đe dọa bằng công nghệ laser. Israel cho biết hệ thống này sẽ là nhân tố "thay đổi cuộc chơi" vì vận hành rẻ hơn nhiều so với các hệ thống hiện có. Tuy nhiên, nó vẫn chưa đi vào hoạt động.
Theo chuyên gia Clarke Cooper, thành viên cấp cao của Sáng kiến An ninh Trung Đông Scowcroft thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, từng là quan chức tại Bộ Ngoại giao Mỹ (2019 - 2021), trong 15 năm qua, Israel đã nâng cấp hệ thống phòng không của mình để chuẩn bị cho các cuộc tấn công như hiện nay, bổ sung các hệ thống mới để đánh chặn tên lửa đạn đạo có tầm bắn lên tới 2.400 km.
Là quốc gia nhận hỗ trợ an ninh hàng đầu của Mỹ, Israel sử dụng phần lớn hỗ trợ này để tăng cường khả năng phòng không của mình. Hàng năm, Mỹ cung cấp cho Israel 3,3 tỷ USD tài trợ quân sự nước ngoài và 500 triệu USD cho các chương trình hợp tác phòng thủ tên lửa.