Sức mạnh quân sự của Bắc Kinh đang tăng lên từng ngày. Liệu Washington có nên quan tâm? Trong một bài viết được đăng tải trên trang mạng National Interest mới đây, Giáo sư Robert Farley tại trường Ngoại giao và Quan hệ Quốc tế Patterson, Đại học Kentucky có trụ sở ở Washington (Mỹ) cho rằng, nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc đã tìm cách để bắt kịp với các cường quốc quân sự tiên tiến nhất thế giới. Bắt đầu từ một nền tảng công nghệ rất thấp và không có tên tuổi khi tiếp cận thị trường công nghệ nước ngoài, các cơ sở công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc đã cố gắng phát triển công nghệ hiện đại để có thể cạnh tranh với các hệ thống vũ khí của Nga, châu Âu và Mỹ. Trung Quốc cũng đã bổ sung cho sự thiếu hụt này bằng cách nhập khẩu vũ khí nước ngoài tiên tiến và công nghệ cao.
Theo ông Farley, dưới đây là những công nghệ quân sự trong tương lai của Trung Quốc mà có thể trở thành những “vũ khí thay đổi cuộc chơi”, góp phần vào việc biến đổi môi trường an ninh của nước này và mở rộng cuộc cách mạng chính trị tại Đông Á.
Tàu sân bayÝ định của Trung Quốc về hạm đội tàu sân bay của mình vẫn còn là điều bí ẩn trong nhiều thập kỷ. Việc thử nghiệm tàu sân bay Liêu Ninh cho thấy một điều rõ ràng rằng Bắc Kinh thực sự có ý định phát triển một lực lượng tàu sân bay, nhưng quy mô và khả năng cuối cùng của lực lượng này vẫn còn nằm trong nghi vấn. Sự thiếu minh bạch đối với kế hoạch phát triển tàu sân bay của Trung Quốc có nghĩa là chúng ta vẫn chưa có một sự hình dung nào về các tàu sân bay mới của Trung Quốc, mặc dù chúng có thể mang theo máy bay chiến đấu tàng hình và các máy bay AEW (cảnh báo sớm trên không).
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. |
Chắc chắn là không quân hải quân Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài để đi trước khi có thể thách thức được hải quân Mỹ. Tuy nhiên, một hạm đội tàu sân bay về cơ bản có thể thay đổi cách tiếp cận của Trung Quốc với các vấn đề hàng hải. Ngay cả khi các tàu sân bay của Trung Quốc có những khả năng hạn chế so với tiêu chuẩn tàu sân bay của Mỹ, Trung Quốc sẽ vẫn có thể tăng khả năng triển khai sức mạnh của mình ngay sau khi 2 chiếc tàu sân bay tiếp theo của họ hạ thủy.
Tàu tuần dương Type 055 Trung Quốc dường như đang xây dựng tàu tuần dương cỡ lớn đầu tiên của mình. Mặc dù các công ty đóng tàu vẫn chưa hạ thủy chiếc tàu đầu tiên thuộc lớp này, nhưng một mô hình đang được thử nghiệm cho thấy Trung Quốc có thể đã lên kế hoạch phát triển một tàu tuần dương cỡ lớn (theo tiêu chuẩn hiện đại). Nếu được chế tạo, các tàu này có thể sẽ không lớn như các tàu lớp Kirov của Nga hay tàu khu trục lớp Zumwalt của Hải quân Mỹ, nhưng chúng vẫn là một bước phát triển về khả năng của Hải quân Trung Quốc.
Mô hình tàu tuần dương Type 055 của Trung Quốc. |
Các chuyên gia phân tích ước tính tàu Type 055 nặng khoảng 12.000 tấn và cho rằng nó có thể được trang bị lên đến 128 tổ hợp phóng thẳng đứng. Một tàu tuần dương như vậy có thể đe dọa tấn công sâu vào bên trong lãnh thổ khác bằng các tên lửa hành trình, hoặc có thể kiểm soát không phận trong một khu vực nhất định. Với kích thước lớn hơn, phạm vi hoạt động rộng hơn và trang bị nhiều vũ khí hơn, tàu chiến này có thể cho phép Hải quân Trung Quốc hoạt động xa các cảng bị hạn chế tương đối của nước này.
Có lẽ quan trọng, việc xây dựng các tàu tuần dương này sẽ đại diện cho một cam kết chính trị lớn của chính phủ Trung Quốc đối với tương lai của Hải quân, trong đó chắc chắn bao gồm việc triển khai sức mạnh biển xa.
Chiến đấu cơ tàng hình J-20 Máy bay chiến đấu J-20 bay lần đầu tiên vào tháng 1/2011. Kể từ thời điểm đó, một số mẫu khác đã xuất hiện. Hiện chúng ta vẫn chưa biết đầy đủ về khả năng của J-20 để đánh giá cao so với những gì mong đợi từ chiếc máy bay này. Tuy nhiên, đây chắc chắn là một máy bay cỡ lớn, có thể hoạt động trong phạm vi rộng và tải trọng vũ khí đáng kể. Điều này có lẽ làm cho J-20 có khả năng đe dọa Mỹ và các đồng minh quân sự khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là khi nó được trang bị tên lửa hành trình phóng từ trên không. J-20 cũng có thể thực hiện nhiệm vụ đánh chặn và trinh sát tầm xa.
Máy bay tàng hình đa năng J-20 của Trung Quốc. |
J-20 hứa hẹn sẽ bổ sung một yếu tố mới vào hệ thống Chống tiếp cận (AD/A2) của quân đội Trung Quốc. Các yếu tố trong hệ thống này sẽ bổ sung cho nhau, có thể tạo ra một sự mất cân bằng và mối đe dọa đối với các cơ sở quân sự của Mỹ và đồng minh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Mỹ đã quen thuộc với việc sử dụng máy bay tàng hình, nhưng Washington vẫn chưa phải đối mặt với một mối đe dọa tàng hình nghiêm trọng.
Tên lửa Đông Phong 41 (DF-41)Tên lửa đạn đạo liên lục địa không phải là mới, ngay cả đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, DF-41 báo hiệu một sự thay đổi từ răn đe tối thiểu tới cuộc tấn công đáp trả. Nếu Trung Quốc bắt đầu chế tạo loại tên lửa này với số lượng lớn, nó có thể tạo ra thế cân bằng trong mối quan hệ hạt nhân với Nga và Mỹ, cũng như vô hiệu hóa bất cứ hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia được Mỹ thiết lập.
Tin đồn về sự phát triển của DF-41 đã tồn tại trong nhiều năm, nhưng Trung Quốc cuối cùng dường như đã xác nhận sự tồn tại của các tên lửa xuyên lục địa (ICBM) của mình trong vài tháng qua. Không giống như các tên lửa trước đó, DF-41 có khả năng MIRV, hay nói một cách đơn giản là có khả năng mang nhiều đầu đạn tấn công các mục tiêu phân tán (có thể lên đến 10 đầu đạn).
Điều đáng lưu ý là nếu Trung Quốc quyết định tích hợp các đầu đạn thông thường vào tên lửa này và trang bị cho chúng thiết bị dẫn đường chính xác để tấn công các mục tiêu di động, thì DF-41 có thể loại bỏ các vùng an toàn do các nhóm tàu sân bay của Mỹ thiết lập ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Tất nhiên, việc sử dụng một ICBM trong chiến tranh thông thường sẽ rất nguy hiểm, có khả năng dẫn đến sự leo thang chiến tranh hạt nhân một cách ngẫu nhiên.
Công Thuận (Theo N.I)