Không quân Mỹ đã thử nghiệm thành công tên lửa siêu vượt âm AGM-183, tấn công mục tiêu sau khi đạt tốc độ gấp 5 lần vận tốc âm thanh.
Theo kênh ABC News, tên lửa siêu vượt âm của Mỹ được phóng từ máy bay ném bom B-52H vào ngày 9/12 nhưng vụ phóng được công bố ngày 12/12 (theo giờ địa phương). Đây là cuộc thử nghiệm đầu tiên của một nguyên mẫu tên lửa mà Không quân Mỹ hy vọng sẽ trở thành tên lửa siêu vượt âm đầu tiên của họ.
Không giống như hai cuộc thử nghiệm trên không trước đây khi chỉ hệ thống đẩy của tên lửa đạt tốc độ siêu vượt âm, cuộc thử nghiệm mới nhất được tiến hành với một nguyên mẫu đầy đủ có đầu đạn tấn công mục tiêu sau khi đạt tốc độ siêu vượt âm.
Vũ khí siêu vượt âm được thiết kế để bay ở tầm thấp hơn so với tên lửa đạn đạo trong khi vẫn tấn công được các mục tiêu tầm xa.
Mỹ đã đi sau Nga và Trung Quốc trong việc phát triển những vũ khí như vậy, vì hiện tại cả Moskva và Bắc Kinh đều đã triển khai các hệ thống siêu vượt âm.
Tên lửa mà Không quân Mỹ đang phát triển được gọi là AGM 183A và ARRW, viết tắt của Vũ khí Phản ứng nhanh Phóng từ trên không.
Trong thử nghiệm ngày 9/12, nguyên mẫu tên lửa siêu vượt âm được phóng từ một máy bay ném bom B-52 đang bay ngoài khơi bờ biển bang California.
"Nhóm ARRW đã thiết kế và thử nghiệm thành công một tên lửa siêu vượt âm phóng từ trên không trong 5 năm", Tư lệnh Không quân Mỹ Tướng Jason Bartolomei, giám đốc điều hành Chương trình Vũ khí, cho biết trong một tuyên bố. "Tôi vô cùng tự hào về sự kiên trì và cống hiến mà đội ngũ này đã thể hiện để cung cấp năng lực quan trọng cho binh sĩ của chúng ta."
Thử nghiệm thành công mới nhất này đã chứng minh thiết kế của Vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không (ARRW) và thể hiện khả năng của nó ở tốc độ siêu vượt âm.
Ngoài tên lửa siêu vượt âm phóng từ trên không, quân đội Mỹ cũng đang phát triển vũ khí siêu vượt âm phóng từ mặt đất.
Mặc dù tên lửa siêu vượt âm được coi là một lựa chọn cho mục tiêu tầm xa, nhưng Nga đã sử dụng một số tên lửa loại này phóng từ trên không để tấn công bên trong lãnh thổ Ukraine, một khoảng cách tương đối ngắn so với năng lực của chúng.
Giới phân tích quân sự phương Tây cho rằng những cuộc tấn công này được coi là dịp để Nga thể hiện các công nghệ quân sự tiên tiến của mình, hoặc có thể là do kho tên lửa dẫn đường chính xác của Nga đã giảm đáng kể kể từ khi xung đột bắt đầu.
Mặc dù Trung Quốc và Nga đã phát triển các hệ thống tên lửa siêu vượt âm giống như hệ thống mà Mỹ đang nghiên cứu, nhưng thuật ngữ siêu vượt âm cũng được sử dụng để mô tả các hệ thống vũ khí khác hoạt động theo cách khác.
Đó là trường hợp vào năm 2021 khi có thông tin tiết lộ rằng Trung Quốc đã thử nghiệm một hệ thống được gọi là hệ thống bắn phá quỹ đạo phân đoạn có khả năng mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân đến bất kỳ đâu trên thế giới với tốc độ siêu vượt âm.
Trong cuộc thử nghiệm đó, Trung Quốc đã phóng một tên lửa mang theo một phương tiện lượn cơ động quay quanh Trái đất trước khi quay trở lại bầu khí quyển và di chuyển với tốc độ siêu vượt âm về phía mục tiêu.