Theo hãng tin Reuters của Anh, phát biểu sau cuộc họp ngoại trưởng các nước Đông Âu và các nước Baltic tại thủ đô Bucharest, cả Ngoại trưởng Le Drian và người đồng cấp Romania Bogdan Aurescu đều nêu rõ Pháp và NATO đang làm mọi cách để giảm căng thẳng với Nga. Quan chức ngoại giao Paris nhấn mạnh vấn đề cơ bản bây giờ là xoa dịu căng thẳng càng nhanh càng tốt có thể và để làm điều đó cần phải có các cuộc thảo luận.
Dự kiến, trong ngày 3/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ có cuộc trao đổi với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Đây sẽ là cuộc tiếp xúc thứ ba giữa hai nhà lãnh đạo này trong tuần này.
Trước đó, ngày 2/2, Tổng thống Joe Biden đã chính thức thông qua quyết định cho phép quân đội nước này triển khai thêm lực lượng tới Đông Âu do sự đối đầu với Nga liên quan tới vấn đề Ukraine. Trong thông báo chính thức sau đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby khẳng định số binh sĩ trên sẽ không tham chiến ở Ukraine mà chỉ thực thi nhiệm vụ bảo vệ các đồng minh trong NATO.
Dự kiến, Mỹ sẽ sớm triển khai 1.000 binh sĩ tới Romania theo đề nghị của chính phủ nước này và 2.000 binh sĩ tới Ba Lan và Đức. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc không loại trừ khả năng có thể sẽ tăng thêm quân tới Đông Âu trong những ngày và tuần sắp tới. Đáng chú ý là tất cả các đợt triển khai này tách biệt với việc Mỹ đặt 8.500 binh sĩ trong tình trạng báo động kể từ cuối tháng 1.
Phản ứng với thông tin này, Nga đã lên án quyết định của Mỹ, coi đây là bước đi "mang tính phá hoại" trong bối cảnh đang có nhiều căng thẳng trong khu vực. Hãng thông tấn Interfax của Nga dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao nước này Alexander Grushko nêu rõ: "Những bước đi mang tính phá hoại khiến căng thẳng quân sự gia tăng và làm giảm cơ hội đạt được những quyết sách chính trị".