Tàu sân bay Charles-de-Gaulle của Pháp rời cảng Toulon, miền nam nước Pháp ngày 18/11/2015. Ảnh: AFP/TTXVN |
Với kế hoạch này, Pháp tiến gần hơn tới mục tiêu tỷ lệ chi ngân sách quốc phòng chiếm 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mà Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) yêu cầu đối với các nước thành viên.
Trong dự thảo ngân sách trên, Chính phủ Pháp đề xuất tăng ngân sách chi cho các hoạt động quốc phòng của nước này từ 34,2 tỷ euro (tương đương 42 tỷ USD) trong năm nay lên 50 tỷ euro vào năm 2025. Hiện khoản chi ngân sách quốc phòng của quốc gia thành viên NATO này tương đương 1,82% GDP.
Việc Pháp tăng ngân sách quốc phòng theo chỉ đạo của Tổng thống Emmanuel Macron đánh dấu sự thay đổi trong chính sách thắt chặt chi tiêu quốc phòng kéo dài nhiều năm qua của nước này. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump lâu này vẫn hối thúc các quốc gia thành viên NATO tăng ngân sách quốc phòng để giảm bớt gánh nặng chi phí quân sự cho Washington.
Theo đề xuất của Bộ Quốc phòng Pháp, kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng trên sẽ được thực hiện theo một lộ trình tăng dần, tăng 1,7 tỷ euro/năm trong giai đoạn từ 2019-2022 và 3 tỷ euro/năm trong giai đoạn từ 2023-2025. Các khoản ngân sách bổ sung sẽ được đầu tư để thay mới, nâng cấp, bổ sung khí tài quân sự, hỗ trợ thành lập đơn vị đặc nhiệm và nâng cấp kho vũ khí hạt nhân của Pháp.
Lâu nay, ông Macron vẫn nhấn mạnh cam kết tăng cường hỗ trợ lực lượng quân đội Pháp đang tham chiến tại nước ngoài, cũng như hoạt động chống khủng bố trong nước. Quân đội Pháp hiện đang tham chiến tại nhiều mặt trận, bao gồm chống khủng bố tại Syria và Iraq, hay truy quét các tay súng Hồi giáo cực đoan tại Tây và Trung Phi, với sự hiện diện của 4.000 binh sĩ Pháp. Trong khi đó, tại Pháp, khoảng 7.000 binh sĩ đã được huy động làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trên khắp cả nước sau loạt vụ tấn khủng bố xảy ra từ năm 2015 ở quốc gia châu Âu này, khiến hơn 240 người thiệt mạng.
Tuy nhiên, kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng này sẽ buộc chính quyền Tổng thống Macron phải cân đối các khoản chi khác để đảm bảo cam kết của nhà lãnh đạo này trong nỗ lực giảm mức nợ công hiện nằm trong số các nước cao nhất châu Âu. Bộ Kinh tế Pháp dự báo thâm hụt ngân sách của Pháp trong năm 2018 sẽ ở mức 2,8% GDP, trong khi nợ công khoảng 2.200 tỷ euro, tương đương 96,8% GDP của nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới này.