Trong một tuyên bố, Bộ Chỉ huy chung của Lực lượng Vũ trang Ecuador cho hay biện pháp này sẽ đảm bảo sự an toàn của những lãnh đạo bản địa tham gia vào vòng đối thoại đầu tiên với Chính phủ, dự kiến diễn ra vào 3 giờ chiều cùng ngày.
Trước đó một ngày, Tổng liên đoàn các dân tộc thổ dân Ecuador (CONAIE) - nhóm tổ chức biểu tình chính - đã đồng ý tham gia cuộc đối thoại trực tiếp với Tổng thống Lenin Moreno để tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng đang ngày càng sâu rộng tại quốc gia Nam Mỹ này bắt nguồn từ việc ban hành gói chính sách kinh tế khắc khổ của chính quyền Ecuador.
Lệnh giới nghiêm được Tổng thống Moreno ban bố, có hiệu lực từ 15h ngày 12/10 (theo giờ địa phương), trong bối cảnh các tổ chức công đoàn và cộng đồng người thổ dân vẫn tiếp tục các cuộc biểu tình, ngăn chặn các tuyến phố và đối đầu với cảnh sát tại các điểm trung tâm ở thủ đô khiến nhiều hoạt động công cộng trong những ngày qua dường như bị tê liệt.
Lệnh giới nghiêm này là sự bổ sung cho lệnh tình trạng khẩn cấp quốc gia mà ông Moreno đã tuyên bố hôm 3/10, theo đó triển khai khoảng 75.000 binh sĩ quân đội và cảnh sát, song song với việc áp đặt lệnh giới nghiêm tại khu vực xung quanh các tòa nhà chính phủ.
Làn sóng biểu tình đã bùng phát tại 17/24 tỉnh của Ecuador từ đầu tháng này nhằm phản đối các biện pháp cải cách kinh tế "thắt lưng buộc bụng" của chính phủ, trong đó có việc chấm dứt chính sách trợ giá nhiên liệu hồi tháng trước nhằm đáp ứng thỏa thuận với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để đổi lại khoản vay trị giá 4,2 tỷ USD.
Với quyết định ngừng trợ giá này, giá nhiên liệu đã tăng 120% kể từ ngày 3/10 vừa qua. Nhiều đối tượng biểu tình quá khích đã kích động bạo loạn đường phố. Đã có 5 người thiệt mạng và trên 1.000 người bị thương trong các cuộc biểu tình bạo loạn này. Cảnh sát cũng đã bắt giữ trên 1.100 người biểu tình quá khích.