Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết nghi vấn Australia muốn sở hữu B-21 đã râm ran sau khi Bộ trưởng Quốc phòng nước này Richard Marles vào tháng 8 thừa nhận Canberra đang xem xét khả năng mua một phi đội máy bay ném bom. Điều này nằm trong chiến lược quốc phòng của Australia trong đó có đề xuất về ưu tiên chi tiêu quân sự trong thập niên tới.
Cũng trong tháng 8, Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall nói rằng Washington sẽ xem xét cung cấp B-21 cho Australia. Tuy nhiên chưa từng có xác nhận về việc hai quốc gia thảo luận về thương vụ này.
Trong khi một số nhà phân tích ngờ vực về khả năng Mỹ bán B-21 cho nước khác. Có ý kiến lại lập luận rằng liên minh 3 bên AUKUS gồm Australia, Anh và Mỹ có thể là nhân tố khiến Canberra mua được chiếc B-21.
Australia để mắt B-21
Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, máy bay ném bom thế hệ thứ sáu B-21 được cho có khả năng chọc thủng tuyến phòng không của Trung Quốc mà không bị phát hiện. Nhiều nhà quan sát cho rằng điều này sẽ giúp Australia nâng cao năng lực tấn công trong bối cảnh đe dọa an ninh từ Trung Quốc gia tăng. Ông Bradley Bowman tại Quỹ Quốc phòng Dân chủ ở Washington đánh giá trong bối cảnh quân đội Trung Quốc ngày càng có thái độ hiếu chiến, Australia cần khả năng tấn công tầm xa và muốn sở hữu B-21 nếu có thể.
Viện Chính sách chiến lược Australia (ASPI) nhận định chính phủ Australia cần cân nhắc mua máy bay ném bom B-21 mới để ngăn cản mối đe dọa từ Trung Quốc trong khu vực. Ông Brad Martin tại viện nghiên cứu Rand Corporation đưa ra ý kiến cá nhân rằng dựa trên mối quan hệ lâu năm giữa hai quốc gia, Mỹ sẽ hợp tác với Australia cải thiện khả năng tấn công tầm xa.
Liệu AUKUS có thể thay đổi tất cả?
Nhà sử học quân sự tại Đại học Cornell (Mỹ) David Silbey nhấn mạnh rằng Mỹ chưa từng bán máy bay ném bom B-52, B-1 và B-2 cho quốc gia khác. Ông Bradley Bowman cũng đồng tình: “Mỹ có truyền thống không bán máy bay ném bom tầm xa cho nước khác”. Nhưng cũng theo ông Bowman, AUKUS đã chứng minh được Mỹ và các đồng minh “sẵn sàng thực hiện những ý tưởng bạo dạn và chưa từng có tiền lệ để đối trọng với mối đe dọa từ Trung Quốc”.
ASPI trong báo cáo công bố ngày 12/12 có đoạn: “Cách đây 2 năm, nhiều khả năng Mỹ sẽ không cung cấp B-21 cho chúng ta. Nhưng AUKUS đã thay đổi tất cả”.
Nhà Trắng vào tháng 9/2021 đã đăng tải thông cáo chung thành lập liên minh 3 bên AUKUS gồm Australia, Anh và Mỹ. Thỏa thuận an ninh của AUKUS hướng đến chia sẻ công nghiệ quốc phòng tiên tiến giữa 3 quốc gia tham gia liên minh đồng thời hỗ trợ lực lượng Australia tăng cường năng lực hạt nhân.
Dự án đầu tiên của AUKUS là Mỹ, Anh sẽ chia sẻ công nghệ và chuyên môn để hỗ trợ Australia chế tạo tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân đầu tiên của nước này. Đây là lần đầu tiên trong 50 năm qua Mỹ chia sẻ công nghệ tàu ngầm của nước này. Trước đó, Mỹ mới chỉ chia sẻ công nghệ với Anh.
Theo nhà phân tích Marcus Hellyer tại ASPI và ông Andrew Nicholls từng là cố vấn cho 3 đời Bộ trưởng Quốc phòng Australia, Mỹ đang hướng đến đóng góp nhiều hơn cho các đồng minh ở Ấn Độ-Thái Bình Dương để đối trọng với Trung Quốc.
Vậy nhưng, ông David Silbey lại nghi ngờ về khả năng Australia mua B-21 bởi chi phí khá lớn để mua cũng như sử dụng do vậy có thể ảnh hưởng và gây hạn chế chi tiêu quốc phòng của Canberra.
Ngoài ra, theo nhiều nhà quan sát, trong trường hợp Australia mua được B-21, nước này có thể leo thang căng thẳng với Trung Quốc. Theo ASPI, với viễn cảnh Australia sở hữu B-21, phía Trung Quốc có thể phản ứng bằng việc gọi điều này đại diện cho lối suy nghĩ Chiến tranh Lạnh, chạy đua vũ khí…