Các nhà lãnh đạo của Azerbaijan, Gruzia, Hungary và Romania mới đây đã ký một thỏa thuận về xây dựng một tuyến cáp điện dưới Biển Đen nhằm cung cấp một nguồn năng lượng mới cho Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh khối đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
Thỏa thuận nói trên được ký tại Thủ đô Bucharest, Romania hôm 17/12, thể hiện rõ hơn nỗ lực của EU trong việc đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng để tránh phụ thuộc vào Nga trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine.
Trên thực tế, tuyến cáp đã được thảo luận từ vài năm qua, nhưng cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến nhu cầu về các nguồn năng lượng mới với EU trở nên cấp bách hơn.
Theo dự án, tuyến cáp sẽ kết nối với lưới điện châu Âu, hiện bao gồm Ukraine, đặc biệt cung cấp khả năng tiếp cận các trang trại điện gió đang được xây dựng ở Gruzia và các nước láng giềng.
“Thỏa thuận này sẽ đưa EU đến gần hơn với các đối tác của chúng tôi ở khu vực Nam Kavkaz và nó sẽ giúp cả hai khu vực đạt được quá trình chuyển đổi năng lượng sạch", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết tại lễ ký kết bản ghi nhớ.
Cáp ngầm Biển Đen sẽ dài 1.195 km, bao gồm 1.100 km dưới nước với điểm cập bờ tại Romania. Việc xây dựng tuyến cáp nối Azerbaijan với Hungary qua Gruzia và Romania, sẽ bắt đầu vào năm tới. Dự kiến tuyến cáp này sẽ chưa thể đi vào hoạt động trước năm 2029. Một nghiên cứu khả thi kéo dài 18 tháng của CESI, công ty tư vấn của Italy, đã bắt đầu vào tháng 5.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen cho biết khối này dứt khoát “quay lưng lại” với sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga và đa dạng hóa hướng tới “các đối tác năng lượng đáng tin cậy”.
“Để tích hợp tỷ lệ năng lượng tái tạo ngày càng tăng, chúng ta thực sự cần kết nối điện mạnh hơn. Và đây là lý do tại sao tuyến cáp điện Biển Đen giữa Romania, Gruzia và Azerbaijan lại quan trọng đến vậy", bà Von der Leyen nói.
Quan chức EU cũng khẳng định: “Cáp điện Biển Đen là một tuyến truyền dẫn mới đầy cơ hội. Dự án này có thể mang lại cho Gruzia, một quốc gia có vận mệnh châu Âu, những lợi ích to lớn. Nó có thể biến đất nước thành một trung tâm điện lực và tích hợp nó vào thị trường điện nội bộ của EU. Hơn nữa, cáp điện Biển Đen cũng có thể giúp mang điện đến các nước láng giềng của chúng ta ở Moldova và Tây Balkan, và tất nhiên là đến Ukraine.”
Không có chi tiết tài chính nào được đưa ra trong tuyên bố về thỏa thuận của Tổng thống Romania Klaus Iohannis. Tuy nhiên, trước đó, hôm 12/12, Cao ủy EU về Vùng lân cận và Mở rộng Olivér Várhelyi tiết lộ rằng EU sẽ phân bổ 17 tỷ euro cho kế hoạch kinh tế và đầu tư của Đối tác phía Đông (EaP), bao gồm 2,3 tỷ euro cho cáp điện ngầm chiến lược dưới Biển Đen nối giữa Gruzia và EU.
Tổng thống Azerbaijan, Ilham Aliyev đã chào mừng điều mà ông gọi là “sự đóng góp của chúng tôi cho an ninh năng lượng châu Âu” và “một cây cầu mới giữa EU và Azerbaijan”. Còn Thủ tướng Hungary Viktor OrbánAli nhấn mạnh: “Chúng tôi đang chuẩn bị xây dựng tuyến cáp điện dưới biển dài nhất".
Bà Von der Leyen cho biết tuyến cáp này cũng sẽ mang lại cho Gruzia - giống như Azerbaijan là một thành viên không thuộc EU, cơ hội trở thành một trung tâm năng lượng khu vực.
Theo tuyên bố của Tổng thống Romania, nước chủ nhà của sự kiện ký kết, thỏa thuận cũng dự kiến tăng cường hợp tác trong công nghệ năng lượng mới, sản xuất hydro và mở rộng cơ sở hạ tầng vận chuyển năng lượng.
Một tuyến cáp dữ liệu kỹ thuật số cũng được lên kế hoạch thi công song song với cáp điện.
“Nó sẽ kết nối chúng ta ở cả hai bên Biển Đen và chạy xa hơn về phía biển Caspi – cả về liên lạc kỹ thuật số và năng lượng. Nó sẽ giúp củng cố an ninh nguồn cung của chúng tôi bằng cách đưa điện từ các nguồn tái tạo đến Liên minh châu Âu, qua Romania và qua Hungary", bà Von der Leyen nhấn mạnh.
Thỏa thuận nói trên cũng là cơ hội quan trọng cho các nhà cung cấp châu Âu như Nexans của Pháp và Prysmian của Italy. Prysmian đã thông báo đáng chú ý vào tháng 11 rằng họ đang đóng một con tàu mới để đặt cáp ngầm.
Con tàu trị giá 240 triệu euro sẽ đi vào hoạt động đầy đủ vào quý I/2025 trước dự án cáp Biển Đen. Con tàu mới này sẽ hoạt động cùng với bốn con tàu rải cáp khác tham gia dự án.
“Việc phát triển cơ sở hạ tầng lưới điện hiệu quả và bền vững hơn là chìa khóa cho phép quá trình chuyển đổi năng lượng, và cáp ngầm là một thành phần thiết yếu. Chúng tôi cam kết đổi mới công nghệ và rất vui mừng được hợp tác với các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới trong việc đóng các tàu như Fincantieri và Vard để cải thiện khả năng lắp đặt [cáp ngầm]", Valerio Battista, Giám đốc điều hành của tập đoàn Prysmian cho biết.