Theo tờ Wall Street Journal, Ukraine sắp nhận được số lượng lớn đạn dược mà nước này cần nhất, không phải do Mỹ hay bất kỳ trụ cột nào khác của NATO cung cấp.
Số đạn dược này do Séc mua. Séc là một trong những nước ủng hộ Ukraine nhiệt tình nhất. Nước này đã tận dụng các mối quan hệ có từ thời Chiến tranh Lạnh, tiếp nhận khoảng 800.000 quả đạn pháo từ một liên minh các nhà cung cấp đa dạng trên toàn cầu.
Số này bao gồm 300.000 quả đạn theo tiêu chuẩn Liên Xô và khoảng 500.000 quả đạn do phương Tây sản xuất, sẽ được chuyển giao hoàn toàn cho Ukraine vào cuối năm nay.
Chính phủ Séc thông báo sẽ có thêm đạn pháo khi có nguồn tài trợ. Tổng cộng, các quan chức Séc cho biết khoảng 3 tỷ euro sẽ mua được khoảng 1,5 triệu quả đạn pháo.
Số đạn dược này có thể bắt đầu đến Ukraine sau vài tuần nữa trong bối cảnh thiếu đạn dược nên quân đội Ukraine phải rút lui ở những khu vực bị Nga tấn công dữ dội.
Theo ước tính của tình báo phương Tây, lực lượng Ukraine còn ít pháo tới mức giờ đây họ chỉ bắn khoảng 2 quả đạn pháo để đáp trả 10 quả đạn từ Nga.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thừa nhận các lượng lượng Ukraine không thiếu quyết tâm, nhưng họ đang cạn kiệt đạn pháo.
Một số nhà phân tích quân sự cho rằng Ukraine cần tới 200.000 quả đạn pháo cỡ nòng khác nhau mỗi tháng để đẩy lùi cuộc tấn công mới từ Nga. Nguồn cung cấp do CH Séc quyên góp có thể giúp lực lượng phòng thủ Ukraine kìm hãm bước tiến của quân đội Nga trong khi phương Tây từ từ tăng cường sản xuất đạn dược.
Nico Lange, cựu Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng Đức, cho biết: “Sáng kiến của CH Séc sẽ giúp Ukraine ổn định mặt trận và giành lại thế chủ động”.
Không giống như Mỹ, Pháp hay Đức, vốn chủ yếu tập trung vào việc tăng cường sản xuất trong nước để cung cấp cho Ukraine, các quan chức Séc tập trung vào tìm nguồn cung ứng trang thiết bị hiện có. Các quan chức Séc bắt đầu âm thầm liên hệ khắp thế giới, giành được các hợp đồng mua bán và đàm phán xuất khẩu từ nhiều quốc gia sản xuất.
Các quan chức NATO và EU đã công khai ủng hộ sáng kiến của Séc trong những ngày gần đây. Các quan chức Séc cho biết, cho đến nay, Đức đã cam kết hơn 500 triệu euro cho sáng kiến của Praha.
Tomas Kopecny, đặc phái viên của Séc tại Ukraine, người đã giúp đàm phán thỏa thuận, cho biết cách tiếp cận của Praha là đóng vai trò trung gian. Nước này đã tiếp cận các quốc gia mà họ biết có năng lực sản xuất hoặc loại đạn tương thích trong kho dự trữ và kết nối họ với một quốc gia phương Tây sẽ đặt hàng và thanh toán mua hàng.
Cho đến nay, CH Séc đã đảm bảo được nguồn tài trợ cho đợt đầu tiên với khoảng 300.000 quả đạn pháo. Trong số các nhà tài trợ có Đức, Canada, Hà Lan và Đan Mạch. Mỹ không phải là thành viên hỗ trợ trong giai đoạn này.