Khói bốc lên từ làng Deir Ballut ở vùng Afrin, Syria sau một cuộc không kích do Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành ngày 10/2. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo ông Rami Abdel Rahman, người đứng đầu Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SORH), hàng trăm quân nhân đã tiến vào Afrin. Truyền hình nhà nước Syria cũng phát đi hình ảnh đoàn xe tiến vào khu vực Afrin do người Kurd kiểm soát.
Trước đó, ngày 18/2, cố vấn chính quyền người Kurd ở miền Bắc Syria Badran Jia Kurd cho biết các lực lượng người Kurd ở Syria và quân đội Syria đã đạt được một thỏa thuận về việc để quân đội Syria tiến vào vùng Afrin - nơi Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành chiến dịch "Nhành ôliu". Các binh sĩ quân đội Syria sẽ được triển khai tại một số vị trí ở dọc khu vực biên giới và có thể tiến vào Afrin. Tuy nhiên, thỏa thuận này đơn thuần chỉ về quân sự, không bao gồm các vấn đề liên quan đến chính trị và hành chính.
Các chuyên gia quân sự cho rằng đây là một diễn biến mới, đáng chú ý. Nếu quân đội Syria “ra tay” tiếp ứng, hỗ trợ các tay súng thuộc lực lượng dân quân người Kurd ở miền Bắc nước này, đặc biệt sát cánh cùng lực lượng người Kurd tham chiến ở Afrin, cục diện trên thực địa có khả năng “đảo chiều” theo hướng có lợi cho người Kurd.
Ngày 20/1 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành chiến dịch "Nhành ôliu" nhằm đánh bật các tay súng YPG tại Afrin. Thổ Nhĩ Kỳ coi YPG là một tổ chức khủng bố vì có quan hệ với đảng Công nhân người Kurd (PKK) vốn bị cấm hoạt động ở nước này. Chiến dịch này đã làm gia tăng căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ do YPG là lực lượng được Mỹ hậu thuẫn trong cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. Ngoài ra, nhiều nước cũng lo ngại chiến dịch quân sự này của Thổ Nhĩ Kỳ làm ảnh hưởng đến tiến trình hòa giải dân tộc của Syria.