Quân đội Ukraine đã sử dụng phương tiện bay không người lái do công ty công nghệ Đức Quantum Systems cung cấp. Cuối năm 2022, các máy bay không người lái này đột ngột rơi từ trên trời xuống trong quá trình trở về sau khi thực hiện nhiệm vụ.
Bộ Quốc phòng Ukraine đã gửi thư yêu cầu Quantum Systems giải quyết vấn đề. Các kỹ sư của Quantum Systems đã tìm ra lý do. Đó là Nga làm nhiễu tín hiệu kết nối máy bay không người lái với vệ tinh, khiến thiết bị này lạc đường và lao thẳng xuống đất.
Sau đó, Quantum Systems đã phát triển phần mềm tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để hoạt động như một phi công phụ và thêm giải pháp điều khiển bằng tay.
Tờ New York Times (Mỹ) cho biết một trận chiến đang nổ ra ở Ukraine trong thế giới vô hình của sóng điện từ, với tín hiệu radio được sử dụng để áp đảo các liên kết liên lạc của máy bay không người lái, binh sĩ và đánh lừa vũ khí dẫn đường. Chiến thuật này được gọi là tác chiến điện tử.
Tác chiến điện tử là một đặc điểm của chiến tranh và xuất hiện được hơn 100 năm. Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, người Anh đã bắt chước các tín hiệu radio của Đức quốc xã để đánh lừa hệ thống nhắm mục tiêu mà máy bay ném bom sử dụng.
Đến Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã đầu tư rất nhiều vào vũ khí điện tử để đạt lợi thế trước tên lửa và chiến đấu cơ của Mỹ. Trong Chiến tranh Iraq những năm 2000, Mỹ đã sử dụng bộ gây nhiễu khiến các thiết bị nổ tự chế không thể kết nối với ngòi nổ từ xa. Gần đây hơn, Israel đã trộn tín hiệu GPS trong không phận nước này với các hệ thống tác chiến điện tử để gây nhầm lẫn cho máy bay không người lái hoặc tên lửa hướng đến tấn công nước này.
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine là cuộc xung đột gần nhất mà năng lực tác chiến điện tử được triển khai rộng rãi. Từ giai đoạn đầu xung đột, quân đội Nga đã là một trong những quốc gia có tác chiến điện tử mạnh nhất thế giới. Họ sử dụng các thiết bị gây nhiễu và tên lửa nghi trang để tấn công hệ thống phòng không Ukraine, khiến Kiev phải phụ thuộc vào chiến đấu cơ để phòng vệ.
Vũ khí điện tử thoạt nhìn không có vẻ nguy hiểm. Chúng thường là đĩa vệ tinh hoặc ăng-ten có thể gắn trên xe tải hoặc lắp đặt trên cánh đồng, các tòa nhà. Nhưng chúng có khả năng phát sóng điện từ để theo dõi, đánh lừa và chặn các cảm biến cũng như liên kết liên lạc dẫn đường cho vũ khí. Máy bay không người lái kết nối với phi công hoặc tên lửa được liên kết với vệ tinh đều dựa vào tín hiệu điện từ.
Một công cụ cơ bản nhưng hiệu quả là thiết bị gây nhiễu, làm gián đoạn liên lạc bằng cách gửi tín hiệu mạnh ở cùng tần số để gây nhiễu loạn đến mức không thể truyền tín hiệu. Ngoài ra còn có tín hiệu giả. Chúng có thể đánh lừa máy bay không người lái hoặc tên lửa rằng nó đang đi chệch hướng bằng cách cung cấp tọa độ sai. Trong các trường hợp khác, tín hiệu giả bắt chước tín hiệu do tên lửa hoặc máy bay tạo ra để đánh lừa hệ thống phòng không phát hiện các cuộc tấn công không hề xảy ra.
Các nhà phân tích cho biết, Nga đã chế tạo các vũ khí điện tử di động nhỏ hơn, như súng chống máy bay không người lái và thiết bị gây nhiễu cực nhỏ. Ông James A. Lewis tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Mỹ, phân tích: “Người Nga đã phản ứng nhanh nhẹn hơn chúng tôi dự đoán. Điều đó sẽ gây lo ngại cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”.
Điện Kremlin chưa phản hồi câu hỏi từ New York Times liên quan đến vấn đề này.