Thông báo của Chính phủ Mali nêu rõ một nhóm phiến quân đã thực hiện vụ bạo lực, bao gồm cả đánh bom xe, nhằm vào căn cứ quân sự tại khu vực Mondoro, dẫn tới giao tranh nổ giữa nhóm tấn công và binh sĩ chính phủ. Quân chính phủ đã tiêu diệt 70 tay súng.
Cho đến nay chưa có nhóm nào nhận thực hiện vụ tấn công trên. Hiện có nhiều nhóm tay súng có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda và tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đang hoạt động tại miền Trung Mali.
Mali đối mặt với tình trạng bạo lực gia tăng do các nhóm vũ trang Hồi giáo tiến hành kể từ khi các phiến quân có liên hệ với al-Qaeda nằm quyền kiểm soát sa mạc phía Bắc nước này hồi năm 2012, dẫn tới việc Pháp và một số nước châu Âu triển khai hàng nghìn binh sĩ để hỗ trợ lực lượng địa phương đảm bảo an ninh và đẩy lùi lực lượng thánh chiến cực đoan.
Bất chấp sự hỗ trợ của binh sĩ nước ngoài, các nhóm phiến quân đã tái hợp và đánh chiếm khu vực nông thôn rộng lớn tại Mali, đồng thời mở rộng địa bàn hoạt động sang Niger, Burkina Fasso và một số nước láng giềng khác và gia tăng các vụ bạo lực đẫm máu.
Đến tháng 2/2022, Pháp và các nước châu Âu tuyên bố rút quân khỏi Mali sau gần10 năm tham chiến do căng thẳng bùng phát giữa chính quyền quân sự tại quốc gia Tây Phi này với những láng giềng trên.
Việc các lực lượng của Pháp và những nước châu Âu khác rút khỏi Mali được cho là sẽ “tạo ra khoảng trống”, đẩy quân đội các nước Tây Phi vốn chưa thực sự vững mạnh lên tuyến đầu trong cuộc chiến chống chủ nghĩa thánh chiến Hồi giáo cực đoan.
Hiện có khoảng 25.000 binh lính nước ngoài được triển khai tới vùng Sahel ở Tây Phi, trong đó có 4.300 binh lính Pháp và sẽ giảm xuống còn 2.500 người vào năm 2023 theo kế hoạch giảm quân số công bố năm 2021. Thời kỳ đỉnh điểm, Pháp triển khai 5.400 quân tới khu vực.