Theo trang tin Euractiv.es ngày 30/5, Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles xác nhận Madrid sẽ sớm gửi tên lửa phòng không tới Latvia trong khuôn khổ sứ mệnh răn đe của NATO.
Bà Robles cho biết Tây Ban Nha sẽ triển khai tại Latvia một hệ thống phòng không được trang bị sáu tên lửa và tăng số lượng binh sĩ Tây Ban Nha trong khu vực Baltic lên 600 người.
Bộ trưởng Robles nhấn mạnh rằng Tây Ban Nha vẫn hoàn toàn gắn kết với NATO và nhắc lại rằng việc tăng cường binh sĩ ở Latvia và Litva nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu tối đa để củng cố thế trận răn đe, ngăn chặn bạo lực và do đó "đóng góp cho hòa bình”.
Tuy nhiên, Tây Ban Nha tỏ ra chia rẽ về một cuộc can thiệp tiềm năng vào một cuộc xung đột quân sự như ở Ukraine, bao gồm cả các lực lượng quân sự Tây Ban Nha. Theo một cuộc khảo sát mới của Viện Hoàng gia Tây Ban Nha Elcano, 52% số người được hỏi cho rằng Tây Ban Nha nên tham gia vào một cuộc xung đột quân sự như ở Ukraine nếu NATO can thiệp để hỗ trợ nước này, trong khi 48% phản đối.
Cùng ngày, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết nước này sẽ tăng cường chi tiêu quân sự để đảm bảo sự ổn định và an ninh.
Phát biểu tại sự kiện kỷ niệm 40 năm Tây Ban Nha trở thành thành viên NATO vào ngày 30/5/1982, với sự tham gia của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Quốc vương Tây Ban Nha Felipe VI, ông Pedro Sanchez nêu rõ cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến EU và Tây Ban Nha nhận ra rằng "đoàn kết là điều cần thiết" để duy trì an ninh và xây dựng tương lai.
"Điều cần thiết là phải củng cố các khả năng răn đe, và điều này sẽ đòi hỏi các năng lực quân sự hiện đại, nhưng chỉ có thể đạt được khi tăng chi tiêu quân sự", ông Sanchez nói.
Chi tiêu quân sự của Tây Ban Nha hiện chiếm 1,03% GDP và ông Sanchez cho biết Chính phủ nước này có kế hoạch tăng gấp đôi vào năm 2024.
Các đồng minh NATO đã cam kết chi tiêu quốc phòng ở mức 2% GDP của họ và một số quốc gia đã tăng ngân sách quân sự do cuộc xung đột ở Ukraine.