Nga vừa chế tạo tên lửa mới có ký hiệu RVV-MD (tên lửa không đối không tầm gần) có thể đảm bảo chắc chắn tiêu diệt các loại máy bay có người lái , kể cả các máy bay F-22 Raptor của Mỹ và phần lớn các máy bay không người lái trong tương lai.
Một nguồn tin công nghiệp quốc phòng Nga cho biết Không quân Nga sẽ tiến hành thử nghiệm nhà nước đối với tên lửa đánh gần này và sau đó sẽ đưa vào trang bị cho Không quân Nga.
Tên lửa này sẽ được trang bị cho các máy bay thế hệ 5 T-50 (PAK FA – máy bay của không quân chiến trường). Ngoài ra, loại tên lửa tầm gần mới có thể trang bị cho các kiểu máy bay tiêm kích hiện đang có trong trang bị như Su-27, MiG -31 và các loại máy bay khác. Các cuộc thử nghiệm tên lửa đang được tiến hành và sẽ kết thúc trước dịp năm mới này.
Theo nguồn tin quốc phòng Nga, phần lớn các tham số của loại tên lửa diệt F-22 Raptor được giữ bí mật. Một số thông tin rò rỉ chỉ biết rằng tên lửa có khối lượng gần 100 kg, dài gần 3 m, khối lượng đầu tác chiến – 8 kg.
|
Hình ảnh đồ họa tên lửa RVV-MD |
Tên lửa có thể phát hiện và tiêu diệt mục tiêu đang bay ở độ cao từ 20 m đến 20 km ở cự ly từ 300 m đến 40 km. Tên lửa cũng có thể tiêu diệt máy bay hoặc bất kỳ mục tiêu nào đang cơ động với độ quá tải đến 20 G – ở độ quá tải như vậy phi công sẽ thiệt mạng ngay trong vòng 2 giây, và bất kỳ một máy bay tiêm kích hiện đại nào cũng vỡ vụn.
G là đơn vị đo tỷ lệ giữa lực nâng và trọng lượng. Để dễ hình dung về đơn vị G,- hành khách đi trên các máy bay dân dụng khi cất cánh chịu một lực quá tải là 1,5 G.
Theo phi công lái máy bay thử nghiệm, anh hùng Nga X. Bordan đang lái thử nghiệm T-50 thì độ cơ động của các máy bay siêu âm phụ thuộc vào khả năng chịu đựng của phi công cũng như các đặc tính độ bền của kết cấu máy bay.
Độ quá tải của các máy bay thể thao có thể đạt tới 12 G trong vòng 1/100 giây, nhưng đối với tất cả các máy bay chiến đấu thì chỉ hạn chế ở mức 9 G- hệ thống điều khiển trên máy bay không cho phép phi công cơ động vượt quá ngưỡng này. Vì vậy, nếu tên lửa có thể diệt được mục tiêu đang cơ động ở mức 20 G thì có thể tiêu diệt được bất kỳ một loại máy bay nào hiện có.
|
Máy bay chiến đấu F-22 Raptor của Mỹ. |
Một sỹ quan trong Bộ tư lệnh Không quân Nga cho biết nếu thử nghiệm thành công, tên lửa sẽ được sản xuất hàng loạt ngay trong năm 2013.
Tên lửa RVV-MD còn được trang bị hê thống dẫn đường tầm nhiệt với đầu đa dải tần và vì thế không thể “bị lừa” hoặc bị bắn hạ. Đầu đa giải tần giúp tên lửa có thể phân biệt được nhiều giải màu thay vì chỉ nhìn thấy các hình ảnh đen- trắng.
Các phương tiện sử dụng các hệ thống hồng ngoại để chế áp tên lửa hiện nay hoạt động theo nguyên lý: hoặc là “làm mù” các đầu tự dẫn bằng tia lazer, hoặc là tạo một nguồn nhiệt mạnh cạnh máy bay (bẫy nhiệt).
|
Máy bay T-50 của Nga. |
Tuy nhiên, đối với loại tên lửa mới này các phương tiện đó không hiệu quả. Tên lửa cớ khả năng phân biệt được nguồn nhiệt đó với máy bay do chúng khác nhau về dải nhiệt. Còn tia lazer chỉ làm mù một trong các dải màu nào đó trong đầu dẫn của tên lửa trong khi đầu dẫn của tên lửa này có thể phân biệt được nhiều dải màu.
Với lý giải trên, các chuyên gia cho rằng hiện nay chưa có bất cứ phương tiện nào có thể bắn hạ được loại tên lửa mới của Nga.
Đây là loại tên lửa đầu tiên của Nga có hệ thống đa dải tần màu. Các loại tên lửa khác chỉ có các đầu đơn sắc nên không bắt được các tia hồng ngoại. Ngoài ra loại tên lửa này sẽ không treo dưới cánh của T-50 như các máy bay tiêm kích thế hệ trước mà sẽ được lắp trên các khoang chuyên dụng trong thân máy bay nên nó được thiết kế với kích thức nhỏ hơn so với tên lửa R-73.
Hùng Lê